Người lao động là đối tượng hưởng lợi chính khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO

NDO -

NDĐT - Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, ngày 29-5, trong phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội qua thảo luận đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước số 98). Đặc biệt, đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Công ước số 98 là người lao động, đồng thời Nhà nước, xã hội cũng như người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi từ những yếu tố tích cực từ việc gia nhập Công ước mang lại.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.

Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 nêu rõ, Công ước số 98 là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1-7-1949. Tính đến tháng 1-2019, đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế. Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Người lao động là đối tượng hưởng lợi chính khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO ảnh 1

Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.

Đặc biệt, đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Công ước số 98 là người lao động. Cụ thể, người lao động sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do thương lượng tập thể thực chất sẽ góp phần đưa ra những giải pháp ổn định và phát triển lực lượng lao động có chất lượng; tăng năng suất lao động; hạn chế, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đối với Nhà nước và xã hội, thương lượng tập thể thực chất sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO, Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Công ước số 98 có ba nội dung cơ bản, gồm: người lao động và cán bộ tổ chức đại diện người lao động phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động; Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể. Đây cũng chính là ba yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thương lượng tập thể được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế.

Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Nội luật hóa nhằm bảo đảm tính tương thích, phù hợp

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Công ước số 98 không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến thẩm tra việc gia nhập Công ước số 98 cho rằng các nguyên tắc về quyền tổ chức và thương lượng tập thể được quy định trong Công ước về cơ bản phù hợp pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, liên quan đến bảo đảm nguyên tắc tự nguyện của thương lượng tập thể, Bộ luật Lao động năm 2012 có một số nội dung chưa phù hợp với Công ước số 98.

Người lao động là đối tượng hưởng lợi chính khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Tuy nhiên, có một số quy định của pháp luật Việt Nam chưa phù hợp với Công ước, vì vậy để bảo đảm thực thi toàn bộ Công ước một cách đầy đủ và có hiệu quả thì cần nội luật hoá các quy định có liên quan của Công ước. Kết quả rà soát cho thấy, có ba văn bản là Bộ luật Lao động năm 2012 và hai Nghị định của Chính phủ cần được sửa đổi, bổ sung nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa nhằm bảo đảm tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước số 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt, cần bảo đảm sự đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước.

Đồng thời, cần xây dựng đề án triển khai có lộ trình, có sự phân công, phối hợp triển khai từng công việc cụ thể, cần quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98 đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân nhất là các chủ thể chịu tác động trực tiếp như: hệ thống công đoàn Việt Nam, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và người lao động. Và cần xây dựng kế hoạch sớm gia nhập hai Công ước cơ bản còn lại của ILO là Công ước số 87 “về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức” và Công ước số 105 “về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc”.

Người lao động là đối tượng hưởng lợi chính khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO ảnh 3

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phát biểu ý kiến tại thảo luận Tổ.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, các ý kiến phát biểu đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, và nhất trí cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).