Người dân tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

NDO -

Bác Lê Khả Phiêu để lại nhiều bài học quý cho thế hệ trẻ mai sau

Qua những tài liệu, thước phim về cuộc đời, sự nghiệp của bác nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thế hệ trẻ chúng tôi tìm được trong đó nhiều bài học rất sâu sắc và tâm đắc trong quá trình công tác của bản thân.

Đoàn tỉnh Hậu Giang viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sáng 14-8 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Ảnh: TTXVN.
Đoàn tỉnh Hậu Giang viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sáng 14-8 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Suốt thời trai trẻ, bác đã dành tất cả tâm huyết, trí tuệ để cống hiến cho Quân đội Nhân Dân Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của bác ở nhiều cương vị, lĩnh vực đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Bác luôn nhận được sự tin tưởng, kính yêu của đồng chí, đồng đội, nhân dân cả nước về đức tính giản dị nhưng hết sức quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các quyết sách quan trọng của Đảng.

Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay may mắn được sinh ra trong thời bình, chỉ còn biết đến bom đạn chiến tranh qua những trang lịch sử, thước phim tư liệu. Đó là sự may mắn nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, hòa bình của đất nước; giữ gìn những thành quả của cách mạng mà những thế hệ cha anh đi trước như bác Lê Khả Phiêu đã giành và giữ lấy bằng biết bao xương máu, mồ hôi, công sức.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, tình hình an ninh trật tự của xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của những người lính trẻ thế hệ chúng tôi hôm nay cũng rất nặng nề. Đặc thù của công việc, có những thời điểm khó khăn, chúng tôi luôn khắc ghi hình ảnh và những lời căn dặn giản dị, mộc mạc của bác Lê Khả Phiêu. Sinh thời, bác quan tâm đến bữa ăn, sức khỏe, công việc của từng cán bộ, chiến sĩ nơi bác từng là thủ trưởng, nơi bác đến thăm. Đức tính giản dị đó là động lực, là niềm động viên đối với mỗi chiến sĩ trẻ chúng tôi trong quá trình công tác còn non trẻ kinh nghiệm. Sự ra đi của bác là niềm thương tiếc của không chỉ riêng bản thân tôi mà còn của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Những đức tính, bài học của bác để lại là động lực để các chiến sĩ trẻ chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...

Thượng úy Nguyễn Thái Hòa

(Công an phường Phước Long A, quận 9, TP Hồ Chí Minh) 

Người chiến sĩ cách mạng vì nước, vì dân

Dù chưa có dịp nào được gặp gỡ trực tiếp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhưng qua tìm hiểu, bản thân tôi hết sức kính trọng, khâm phục sự kiên trung của người cộng sản này luôn hết mình phục vụ cho Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đồng chí đã tham gia các cuộc kháng chiến tại những chiến trường ác liệt nhất. Trong chiến đấu cho đến lúc đất nước hòa bình, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng trăn trở, tâm huyết, cống hiến hết mình cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Ở đồng chí luôn hiện hữu sự bình dị, sâu sắc và gần gũi.

Lúc đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư của Đảng, nhiều quyết sách của Trung ương được đưa ra, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hết sức đồng tình, ủng hộ. Thái độ của đồng chí đối với công tác chống tham nhũng kiên quyết, nhưng không nóng vội, thể hiện rõ bản lĩnh của người lãnh đạo cao nhất. Trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này, đồng chí luôn chú trọng phát huy sức mạnh từ quần chúng nhân dân. Do đó, đã làm được nhiều việc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết của đồng chí đã làm cho một đảng viên 60 năm tuổi Đảng như tôi rất kính phục, khắc cốt ghi tâm. Đồng chí là người thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn: Cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe dân, hiểu dân và luôn đứng đằng sau dân. Những việc đồng chí đã làm để lại cho tôi và nhiều cán bộ, đảng viên bài học sâu sắc về người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì nước, vì dân.

Lê Cơ

(xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)

Buôn làng Cư M’gar luôn nhớ về Người

Những năm cuối của thập niên 1990, đầu thập niên 2000, đất nước mới bước vào thời kỳ đầu đổi mới, kinh tế, xã hội gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân cả nước nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng còn nhiều thiếu thốn. Do chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các loại hình văn hóa độc hại từ bên ngoài du nhập vào đã ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Một bộ phận thanh niên quay lưng lại với văn hóa truyền thống của dân tộc, khiến đời sống văn hóa xuống cấp, các lễ hội, giá trị văn hóa truyền thống ngày càng mai một…

Lúc đó, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương Đảng khóa VIII tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng không quên quan tâm đến đời sống văn hóa, xã hội. Hội nghị T.Ư 5 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam toàn diện hơn, bao quát hơn. Hơn hai mươi năm qua, Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) đã phát huy tác dụng to lớn đối với thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa nước ta.

Ở buôn Sút Mrư cũng như các buôn làng khác ở Tây Nguyên, nhờ thực hiện tốt Nghị quyết này và các Nghị quyết khác sau này của Đảng mà đến nay, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao về mọi mặt. Đồng bào đã bảo tồn và phát huy được các lễ hội văn hóa truyền thống của Tây Nguyên như lễ hội cồng chiêng, lễ hội cúng lúa mới, lễ hội sum họp cộng đồng… Chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư đang ngày càng phát huy hiệu quả. Có được kết quả này, đồng bào Tây Nguyên luôn nhớ đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Mấy hôm nay, nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, tôi cũng như bà con buôn Sút Mrư buồn và thương tiếc lắm. Càng thương nhớ ông, tôi và bà con nguyện lòng mình sẽ phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục gây mất đoàn kết; tích cực thi đua thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo làm ăn, nâng cao đời sống về mọi mặt, góp phần xây dựng gia đình, buôn làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Y Dhang Niê

(buôn Sút Mrư, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk)

Một lòng lo lắng cho nhân dân

Trận lũ lịch sử cuối năm 1999 đã gây ra thảm họa đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng con người, tài sản, phá hủy phần lớn thành quả tỉnh Quảng Trị xây dựng trong mời năm sau khi tái lập lại tỉnh.

Tháng 11-1999, trong chuyến thăm đồng bào lũ lụt các tỉnh miền trung, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Tại xã Hải Hòa (nay Hải Phong) vốn là rốn lũ của huyện Hải Lăng. Chúng tôi đi thuyền máy cùng Tổng Bí thư thăm bà con.

Đồng chí Phan Ngọc Ái, lúc đó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Phú Kinh báo cáo với Tổng Bí thư về những ngày lũ lên đỉnh, gia đình anh đã chấp nhận gạt gần bảy tấn lúa đang trữ trên tầng hai nhà mình xuống nước, để có chỗ đưa hàng chục hộ dân trong làng lên kịp thời trú lũ, bảo toàn tính mạng.

Nghe chuyện, Tổng Bí thư xúc động hỏi: Vì sao làm được như vậy, lương thực đâu mà ăn sau này?. Đồng chí Ái thưa: Là bí thư chi bộ, trong lúc thiên tai, tôi xác định bằng mọi cách phải cứu cho được đồng bào. Còn người là còn tất cả, sau lũ Chi bộ sẽ hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất lấy lại lương thực đã mất. Tổng Bí thư khen ngợi và nhấn mạnh. Việc làm của đồng chí Ái làm dân tin Đảng hơn và Đảng càng khăng khít với dân hơn. Đồng chí Ái là tấm gương thể hiện sự tận tụy hết mình vì dân. Người đảng viên như thế là rất xứng đáng. Tôi mong toàn thể đảng viên của Đảng chúng ta ngày càng có nhiều những hành động cao đẹp như vậy…

Chiều hôm đó, làm việc với lãnh đạo xã Hải Phong ngay trên sân trường tiểu học đang còn đọng đầy bùn non do lũ đẩy về, Tổng Bí thư căn dặn trước mắt, chính quyền địa phương phải ưu tiên cứu đói cho dân, giúp dân dựng lại lại nhà cửa, xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, có phương án tổ chức sản xuất kịp thời để ổn định đời sống nhân dân.

Hình ảnh gần gũi và tình cảm quan tâm, lo lắng của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với quê hương Quảng Trị trong những ngày thiên tai lũ lụt vẫn luôn được lưu giữ sâu đậm trong lòng đồng bào, nhân dân xã Hải Phong. Còn đồng chí Phan Ngọc Ái năm nay đã gần 70 tuổi, vẫn luôn nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, gương mẫu đi đầu trong công việc chung, là tấm gương sáng được bà con noi theo.

Lâm Quang Huy

(Quảng Trị)

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần