Kỷ niệm 40 năm giải phóng A Sầu - A Lưới:

Nghĩa tình Trường Sơn

Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, A Lưới là điểm yết hầu trên hành lang Trường Sơn nối từ hậu phương miền bắc vào chiến trường miền nam. Vì thế, Mỹ-ngụy tập trung xây dựng các cụm căn cứ quân sự ở A Sầu (A So), A Co, A Lưới với hỏa lực cực mạnh và liên hoàn. Bộ binh địch có pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ, suốt ngày đêm lùng sục, đánh phá, nhằm chặt đứt tuyến vận tải chi viện của ta.

Phải khai thông đường 559 qua khu vực Trị-Thiên! Nhiệm vụ đó được giao cho Sư đoàn 325B thuộc Quân đoàn 2 phối hợp bộ đội địa phương và dân quân du kích các dân tộc thiểu số miền tây Trị-Thiên.

Sau ba tháng chuẩn bị, 5 giờ sáng 10-3-1966, các trung đoàn 95, 101, 88 có hỏa lực cối 120, DKZ, 82... cùng quân dân địa phương các quận 1, 3, 4, các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm... đã đồng loạt nổ súng tiến công. Ðến 10 giờ 11-3, lá cờ giải phóng đã tung bay trên cứ điểm A Sầu. Hơn một nghìn tên địch cùng nhiều máy bay, pháo hạng nặng đã bị tiêu diệt và bắt sống.

Chiến thắng A Sầu mở đường giải phóng cả vùng A Lưới và miền tây Trị-Thiên, trở thành phát súng lệnh để khai thông các lối vận tải trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

Sau thất bại ở A Sầu, từ cuối tháng 3-1966 đến đầu năm 1972, Mỹ-ngụy cố lập lại "lá chắn thép" trên dãy Trường Sơn. Chúng đã không từ bỏ một thủ đoạn tàn khốc nào để hủy diệt mảnh đất này. Hàng chục tiểu đoàn quân thiện chiến, trang bị vũ khí tối tân đã được tung lên đây. Hàng nghìn lượt "pháo đài bay B52" và pháo hạng nặng trút xuống A Lưới hàng triệu tấn bom, đạn, rải hàng chục triệu lít chất độc hóa học, thiêu rụi và "cạo trọc" hàng trăm nghìn ha rừng nguyên sinh. Hàng chục nghìn người các dân tộc thiểu số miền tây Trị-Thiên đã bị chết vì bom đạn, vì chất độc hóa học, vì đói...

Sau chiến tranh, A Sầu - A Lưới là một trong những nơi di chứng chiến tranh để lại khốc liệt nhất. Riêng chất dioxin, đây là cái "rốn" của cả chiến trường Ðông Dương! 40 năm rồi, nhưng hàng nghìn người dân và con cháu họ vẫn đang bị chất dioxin ngày ngày hành hạ. Ðau thương đến tột cùng, nhưng đồng bào các dân tộc miền tây Trị-Thiên không hề nao núng. Những tấm gương như Anh hùng Hồ Vai, Kan Lịch... ngày càng xuất hiện nhiều trên núi rừng A Sầu - A Lưới. Họ đã kề vai, sát cánh cùng bộ đội giữ vững hành lang chi viện cho chiến trường, tiêu diệt hơn 7.300 tên địch, bắn rơi 365 máy bay, phá hủy 60 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác của Mỹ-ngụy. Dẫu sắn ngô không đủ no cái bụng, vỏ cây không đủ ấm cái thân, nhưng bà con đã tham gia hơn một triệu ngày công phục vụ kháng chiến, gần 16 nghìn thanh niên nhập ngũ, đóng góp 18 nghìn tấn lương thực nuôi bộ đội...

Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, quân và dân A Lưới, 17/21 xã trong huyện và tám người con của núi rừng miền tây Thừa Thiên-Huế đã được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sau 40 năm, dẫu đã nỗ lực hết mình, nhưng A Lưới vẫn còn là vùng đất nghèo khó nhất của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ðây được coi là cái "rốn" của đạn bom, của chất độc dioxin, cũng là cái "rốn" của sự đói nghèo. Năm 2001 vẫn còn có tới 62% số hộ dân A Lưới sống trong nghèo đói. Di chứng chiến tranh thật nặng nề, bom đạn vẫn còn đầy rẫy ở nhiều nơi. Ở A Sầu, nơi không quân Mỹ dùng làm cái "túi" đựng dioxin, nhiều chỗ không có cây cối nào có thể mọc. Thiên nhiên không ưu đãi cộng với tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu của đồng bào là trở lực lớn nhất để A Lưới cải thiện cuộc sống cho nhân dân.

Ðược sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước, sự đùm bọc, cưu mang của đồng bào miền xuôi, cuộc sống của bà con các dân tộc Cà Tu, Pa Kô đang ngày càng khởi sắc. Nếu những năm 90 của thế kỷ 20, từ Huế muốn lên A Lưới phải đi ô-tô hơn 300 km ra Ðông Hà, ngược đường 9 lên Ða Krông rồi theo đường 14 vào. Giờ đây, tuyến đường Hồ Chí Minh, hành lang bắc - nam đã được nối thông từ Ða Krông (Quảng Trị) chạy dọc A Lưới dài 106 km, vượt A Roàng vào Quảng Nam rồi Tây Nguyên. Tuyến quốc lộ 49 từ Huế lên, dài 60 km cũng đã được cải tạo, nâng cấp. Hai cửa khẩu đường bộ S3 Hồng Vân - Ku Tai và S10 A Ðớt - Tà Vàng đã được khai mở để giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Thừa Thiên-Huế với các tỉnh bạn Lào bên kia biên giới. A Lưới không còn là chốn thâm sơn cùng cốc hiểm trở như xưa, mà đang hình thành một phố thị duyên dáng trên đường Hồ Chí Minh. Mạng lưới giao thông từ đây đã thông suốt về tận tất cả các xã, là điều kiện quan trọng để đồng bào A Lưới "tuyên chiến" với đói nghèo.

Cách đây hai năm, nhằm tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong chiến lược cải thiện cuộc sống đồng bào miền núi, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã phát động phong trào toàn dân hướng về đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi A Lưới, bắt đầu là chương trình xóa nhà tạm cho các hộ nghèo và chăm sóc những nạn nhân chất độc da cam. Phong trào nặng nghĩa, nặng tình này đã thật sự trở thành một cuộc vận động hướng về nguồn được đông đảo bà con cả nước hưởng ứng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn hai nghìn mái ấm nhà đoàn kết được dựng lên, ủ ấm cho hàng nghìn cảnh đời cơ cực.

A Lưới giờ đây đã trở thành một "điểm đến" của cộng đồng gần xa. Ðó là những hoạt động về nguồn của thế hệ trẻ, tìm lại chiến trường xưa của các cựu binh, hay tìm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế của các doanh nhân... Nhưng, thường xuyên và cảm động nhất vẫn là các chương trình vì cuộc sống của đồng bào. Những mùa mưa lũ, hàng nghìn chiến sĩ các lực lượng vũ trang đến tận từng bản làng giúp dân gặt lúa, di chuyển nhà cửa ra khỏi vùng xung yếu. Những đợt dịch bệnh, thầy thuốc khắp nơi đổ về, kịp thời dìu bà con qua cơn nguy biến. Rồi mùa xây dựng, từng đoàn xe nối nhau chở bê-tông, gạch, ngói vượt đèo lên A Lưới, ầm ào như thuở hành quân...

Ðến nay, ngoài sản lượng lương thực có hạt hơn 9.500 tấn/năm, bà con A Lưới đã đưa sản lượng cà-phê Arabica lên 3.000 tấn quả tươi/năm. Vườn cao-su đã có hơn 1.000 ha... Trong vòng năm năm dồn sức cho xóa đói, giảm nghèo, A Lưới đã hạ tỷ lệ số hộ nghèo từ 62% xuống còn 29,79%. Ðồng bào các dân tộc ở A Lưới nêu quyết tâm đến năm 2010 cơ bản thoát khỏi tình trạng đói nghèo.