Nghị quyết của Đảng là kim chỉ nam để Viettel phát triển bền vững

Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025, đại hội điểm toàn quân đã thành công tốt đẹp. Có 17 đồng chí được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành, tạo tiền đề sớm hiện thực hóa mục tiêu Đại hội đề ra. 

Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ Viettel lần thứ 10.
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ Viettel lần thứ 10.

Mỗi giai đoạn phát triển với khát vọng chinh phục đỉnh cao không ngại khó khi đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, Viettel kiên định mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước, thực hiện thắng lợi chiến lược chuyển đổi số, làm hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp công nghệ cao.

Nghị quyết của Đảng là kim chỉ nam để Viettel phát triển

Chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, từ một công ty điện tử thiết bị thông tin của Binh chủng Thông tin liên lạc, với 40 nhân sự, Viettel đã vươn lên trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, nhà cung cấp dịch vụ số với tầm nhìn toàn cầu. Mỗi giai đoạn phát triển đều đậm nét phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện qua bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng chinh phục đỉnh cao không ngại khó khi đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Bằng sự sáng tạo, năng động tạo nên khác biệt, Viettel đã ghi tên mình trong hàng loạt giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, là doanh nghiệp sở hữu nhiều chữ “nhất” nhất Việt Nam, như: Thương hiệu giá trị lớn nhất (2019); nhà mạng đầu tiên triển khai thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G (2019), doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất nhiều năm; một trong 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; trở thành một trong 500 thương hiệu lớn nhất toàn cầu…Trong tiến trình đó, Đảng bộ Tập đoàn luôn hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong.

Một trong những điểm tựa cho chiến lược phát triển của Viettel giai đoạn 2015-2020 là Nghị quyết 05/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 (ngày 1-11-2016), về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bám sát Nghị quyết 05, bằng quyết sách đúng đắn đầu tư mạng 4G rộng khắp toàn quốc vào năm 2017, hàng loạt sản phẩm, dịch vụ số của tập đoàn được cung cấp ra thị trường.

Qua đó, Viettel xây dựng được một hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu từ giải trí, hoạt động kinh doanh, tìm kiếm thông tin… Điều này dẫn đến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ dịch vụ thoại, SMS sang dữ liệu và dịch vụ số, khiến nhu cầu sử dụng data (dữ liệu) tăng trưởng đột biến, tạo sức bật mạnh mẽ cho Viettel về doanh thu và thuê bao.

1607_pr2-1594891917794.jpg
Hình ảnh trạm 5G của Viettel tại thủ đô Hà Nội. 

Bên cạnh đó, với hàng loạt sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, thanh toán điện tử như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống hải quan một cửa quốc gia; hệ thống giám định và thanh toán bảo hiểm y tế; quản lý hộ tịch, quốc tịch; tiêm chủng quốc gia; thông tin giáo dục, kỳ thi THPT quốc gia… Viettel được tham gia và giữ vai trò quan trọng trong hàng loạt các dự án lớn về Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, góp phần thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa 12 (ngày 25-10-2017).

Đặc biệt, với vai trò một tập đoàn kinh tế mũi nhọn của Đảng, Nhà nước, Viettel càng phải nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, đồng thời điều chỉnh, tái cơ cấu mô hình tổ chức, chuyển đổi phương thức kinh doanh phù hợp xu thế. Năm 2019, quá trình chuyển đổi số cùng với đổi mới chiến lược kinh doanh, tăng cường trải nghiệm khách hàng diễn ra mạnh mẽ hơn. Sự chuyển dịch đúng hướng đã được minh chứng bằng kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Cụ thể, doanh thu của tập đoàn đến hết năm 2020 ước đạt 264.016 tỷ đồng, tăng 12,1% so đầu nhiệm kỳ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 40.257 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước và Bộ Quốc phòng tăng 68% so giai đoạn 2010 - 2015.

Nền tảng bền vững và những cán bộ dám dấn thân

Một trong những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020, đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với các hoạt động của Tập đoàn cùng với sự quản lý, điều hành tập trung của Ban Tổng Giám đốc, và vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng. Một đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp được đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện trên tinh thần người đứng đầu gương mẫu, quyết liệt, triệt để trong chỉ đạo, điều hành.

Để biến những kỳ vọng thành hiện thực, không có cách nào khác, mỗi thành viên trong đội ngũ Viettel phải là những thành tố có đóng góp xuất sắc trên cương vị của chính mình. Trong đó, từng cấp ủy, cán bộ, đảng viên sẽ phải là người tiên phong đi trước làm gương, nuôi dưỡng khát vọng và lý tưởng cống hiến cho tổ chức Viettel, cho quốc gia và dân tộc.

Chị Phan Thị Hồng Hạnh, công tác tại Phòng Điều hành Kinh doanh Viettel Global (VTG), là một trong những người đầu tiên của VTG lên đường chinh phục những thị trường quốc tế. Chị đã công tác tại 9/10 thị trường của Viettel và được kết nạp Đảng tại Viettel Campuchia. Với chị, “niềm tự hào ấy nhân lên động lực cống hiến và tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa trong công việc.” Chị Hạnh cũng là một trong những người đầu tiên làm việc tại thị trường Haiti, khi Viettel đặt chân sang quốc gia Nam Mỹ này.

Trong gần 14 năm đầu tư ra nước ngoài, 10 thị trường của Viettel Global với gần 250 triệu dân, đã mang lại hiệu quả rõ nét trong hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước về chiến lược đầu tư quốc tế của Viettel. Đến nay, trong tổng số 10 thị trường đã kinh doanh, Viettel đứng ở vị trí số 1 tại bốn thị trường là: Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi.

Tốc độ tăng trưởng hằng năm của các thị trường đều đạt 20-30%, cao gấp gần 10 lần so tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành viễn thông thế giới. Theo báo cáo mới nhất của GSMA (Hiệp hội Viễn thông toàn cầu), hiện Viettel Global nằm trong top 11 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thị trường sở hữu (từ 49% trở lên); top 25 hãng viễn thông thế giới về số thuê bao.

1607_pr3-1594891917431.jpg
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham quan khu trưng bày tại Trụ sở Viettel. 

Theo Thiếu tướng Hoàng Sơn, ở Viettel, Đảng ủy viên Tập đoàn đồng thời giữ trọng trách của thành viên Hội đồng quản trị. Tập thể Đảng ủy Tập đoàn đồng thời giữ vai trò của Hội đồng quản trị trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động quản trị chiến lược, tổ chức biên chế, nhân sự, tài chính, đầu tư kinh doanh, tìm việc mới, giải quyết việc khó. Công tác lãnh đạo, triển khai nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn được tiến hành thông qua hệ thống tổ chức đảng trực thuộc. TGĐ Tập đoàn và các phó TGĐ phụ trách trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo các mảng chuyên trách. Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn và cấp ủy các cấp cũng chính là “pháp lệnh” với đầy đủ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong thực tiễn.

Viettel thực hiện cơ chế lãnh đạo và chỉ huy như một đơn vị quân đội chính quy: Mỗi đơn vị có một thành viên Ban TGĐ làm Bí thư Đảng ủy. Phương pháp tổ chức như vậy vừa  bảo đảm chấp hành nghiêm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong Quân đội: “Tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt”; “Đoàn kết, đồng thuận, làm gương”; “Lãnh đạo 3 trong 1”, người chỉ huy ở Viettel vừa là lãnh đạo, vừa là quản lý, vừa là chuyên gia.

Đồng thời, các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy các cấp cũng có chuyên môn kỹ thuật, kinh doanh và được bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng lãnh đạo, công tác đảng, công tác chính trị. Đảng ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề “Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực”, qua đó thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong nước và nước ngoài về đầu quân cho Tập đoàn. Đồng thời, quan tâm cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ, phúc lợi để khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ cống hiến.

Đại hội của khát vọng và ý chí

Tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, một lần nữa tinh thần cốt lõi Viettel lại được dấy lên. Với sáu mục tiêu cơ bản nhằm chuyển đổi từ công ty cung cấp dịch vụ viễn thông thành công ty cung cấp dịch vụ số; chuyển dịch tăng trưởng doanh thu sang các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số; là hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; xây dựng chính sách nguồn nhân lực đồng bộ phù hợp với chuyển dịch mới của Tập đoàn; hoàn thiện cơ chế quản lý, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tái cơ cấu mô hình quản trị Tập đoàn.

1607_pr4-1594891917908.jpg
 

Theo Đại tá Dương Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn, Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh Viettel đang ở giai đoạn mới, đòi hỏi một chiến lược mới với rất nhiều thách thức, thời cơ vận hội mới. Các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy Tập đoàn phải cùng làm, cùng bàn với các đơn vị phụ trách để tìm ra những mục tiêu, hướng đi mới, những lĩnh vực, ngành nghề và giải pháp mới.

Tại dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045. Mục tiêu gần nhất là đến năm 2025 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Hiện thực hóa định hướng đó, những đơn vị như Viettel phải thể hiện rõ vai trò trụ cột về kinh tế, công nghệ vì sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia. Song hành với quyết tâm chính trị đó là một tập thể chung ý chí mãnh liệt của những con người đã “quen” với việc mới, việc khó. Những người không còn dè dặt khi đặt khát vọng chinh phục không gian số, công nghệ cao trong giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp cũng như của đất nước theo chiến lược mà Đảng đã chỉ ra.