Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những giải pháp hướng tới mục tiêu “hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là cần “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT)”. Thực tế, HNKTQT trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Việt Nam chủ động tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của tiến trình HNKTQT. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đang đặt ra cho chúng ta không ít thách thức.

Bước chuyển mạnh mẽ

Chủ động và tích cực HNKTQT toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả luôn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Trong khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về việc thực hiện hiệu quả tiến trình HNKTQT. Tháng 11-2016, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình HNKTQT, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Nghị quyết chứa đựng nhiều chủ trương mang tính đột phá về HNKTQT trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, nhất là việc xáo trộn và định hình lại các chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Định hướng này đã giúp Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn mới của tiến trình HNKTQT - giai đoạn chủ động xây dựng các quy tắc mới trong thương mại quốc tế thông qua các FTA thế hệ mới.

Năm 2018, Việt Nam cùng 10 quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một thị trường gần 500 triệu dân, chiếm 14,4% thương mại toàn cầu. Năm 2019, chúng ta ký kết FTA song phương với EU (EVFTA), từ đó kết nối thị trường các nước EU và Vương quốc Anh với hơn 500 triệu dân và một phần tư GDP toàn cầu. Cả hai hiệp định đều đã có hiệu lực, cho thấy chúng ta bước đầu bắt tay vào thực hiện thành công các chủ trương được đề ra tại Nghị quyết 06-NQ/TW; đồng thời, đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của tiến trình HNKTQT với các đặc điểm lớn như sau: Thứ nhất, chúng ta không chỉ học tập kinh nghiệm các nước đi trước, hội nhập theo kiểu “bám đuôi” mà lần đầu tiên vươn lên, đi đầu cùng các nước xây dựng các thiết chế mới định hình cho cơ cấu hợp tác kinh tế - thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới. Điều này đòi hỏi tính chủ động cao hơn trong công tác HNKTQT, không chỉ đối với các cơ quan T.Ư mà cả ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp. Thứ hai, các đối tác chúng ta xây dựng quan hệ kinh tế - thương mại trong các FTA thế hệ mới bao gồm những nền kinh tế phát triển nhất, đồng nghĩa cơ hội lớn hơn nhưng cạnh tranh cũng cao và trực diện hơn. Cạnh tranh sẽ không chỉ đến từ hàng hóa, dịch vụ bên ngoài mà còn ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những vấn đề đòi hỏi có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hợp lý trong thời gian tới. Thứ ba, các FTA thế hệ mới có cam kết hết sức sâu rộng, tác động đến nhiều mặt của cuộc sống, không chỉ dừng ở các khía cạnh kinh tế mà còn nhiều nội dung khác như lao động - công đoàn, môi trường, an ninh mạng,... Rõ ràng đây là các nội hàm mới, đòi hỏi sự thống nhất cao trong công tác tổ chức thực thi mới có thể bảo đảm duy trì được ổn định chính trị - xã hội.

Nhiều cơ hội

Với những đặc điểm trên, các FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, tham gia các FTA thế hệ mới thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng leo thang. Về xuất khẩu, thúc đẩy thương mại với các nước CPTPP và EU là cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Việc các nước, trong đó có nhiều thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những “cú huých” mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu. Thực tế, dù thời gian thực hiện CPTPP và EVFTA chưa dài nhưng đã cho thấy những kết quả tích cực bước đầu. Năm 2019 - năm đầu thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so năm 2018, trong đó xuất siêu sang hai thị trường mới là Ca-na-đa và Mê-hi-cô đạt gần năm tỷ USD. Đối với EVFTA, chỉ hơn một tháng đi vào thực thi, kim ngạch được hưởng ưu đãi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đã gần ngang với cả năm đầu thực hiện CPTPP. Nhiều mặt hàng nông sản và thủy sản trong nước đã tận dụng tốt cam kết, không chỉ tăng về kim ngạch mà cả giá trị hàng xuất khẩu, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp.

Tham gia các FTA thế hệ mới cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định. Cùng với việc phê chuẩn các FTA thế hệ mới, Quốc hội cũng đã quyết định việc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Thủy sản và tiến tới tiếp tục xem xét sửa đổi một số bộ luật khác như Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ môi trường,... Bên cạnh đó, tham gia các FTA thế hệ mới còn giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể, giúp nền kinh tế ứng phó tốt hơn với các biến động bên ngoài. Không những vậy, các FTA thế hệ mới còn hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, nhất là trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, chi tiêu công và nông nghiệp - nông thôn. Đây là yếu tố then chốt để Việt Nam nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Mặt khác, các nước CPTPP, EU và Vương quốc Anh hiện chiếm hơn 35% GDP, hơn 43% thương mại hàng hóa toàn cầu. Do đó, FTA với các nước này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt khi chuỗi cung ứng mới hình thành, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn,... Đây là cơ hội lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới. Cuối cùng, tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, do CPTPP, EVFTA đều bao gồm các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện hơn với môi trường, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Không ít thách thức

Bên cạnh những cơ hội, HNKTQT nói chung và việc tham gia các FTA nói riêng, nhất là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA cũng kèm theo không ít rủi ro, thách thức. Về khía cạnh kinh tế, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém. Mặt khác, cạnh tranh cũng mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, có thể nhìn nhận đây là con đường mà sớm muộn chúng ta cũng phải trải qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan. Cụ thể, Việt Nam có thể sẽ cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ,... cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài ra, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương. Tóm tại, các FTA thế hệ mới là nội dung mới trong HNKTQT, đòi hỏi các chủ trương và giải pháp đồng bộ để một mặt tận dụng được cơ hội, nhưng mặt khác cũng xử lý tốt các thách thức đặt ra với nền kinh tế. Hy vọng các cấp, các ngành cả ở T.Ư lẫn địa phương sẽ tiếp tục bám sát chủ trương trong các nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước để tích cực, chủ động ứng phó với thay đổi diễn ra trên trường quốc tế, giúp đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.

TRẦN TUẤN ANH

Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Công thương