Nâng cao hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học

NDO -

Sáng 8-1, tại Hà Nội, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học (CĐHH) sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH/ dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì hội nghị.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Cùng dự, có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng; cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư và các đồng chí thành viên Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701.

Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp các địa phương triển khai bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án. Trong đó, nổi bật là: Dự án Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) (2018-2020); Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Bộ Tư lệnh Quân khu 2/Bộ Quốc phòng thực hiện (2020-2021)…

Trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn ha/năm. Khoảng 50 nghìn ha ở 19 tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng đã được tổ chức rà phá trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát và rà phá bom mìn là hơn 500 nghìn ha, trong đó hơn 400 nghìn ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80 nghìn ha do các tổ chức quốc tế thực hiện.

Tính đến nay, có khoảng 163 nghìn người hoạt động kháng chiến, hơn 73 nghìn con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đang được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn và chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện. Hiện nay, đã có khoảng 100 cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và chất độc da cam/dioxin. Các tổ chức như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, CĐHH/ dioxin từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo 701 xác định đẩy nhanh tốc độ rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ, hướng tới hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể là đến năm 2025 rà phá được khoảng 800 nghìn ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Tập trung hoàn thành xử lý CĐHH/dioxin tại các điểm ô nhiễm đã được phát hiện; tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng tồn lưu CĐHH/dioxin ở các khu vực bị phun rải trong chiến tranh và các điểm nghi nhiễm khác; tiếp tục quan trắc, theo dõi môi trường tại các khu vực sau xử lý. Đẩy mạnh công tác giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ cho nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến CĐHH…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị, Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch quốc gia để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH/dioxin. Tập trung hoàn thiện các văn bản về bảo đảm chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH/dioxin và con cháu của họ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và CĐHH/dioxin sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam.

Đồng chí lưu ý, cần bảo đảm an toàn đối với con người, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA; tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá bom mìn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để đấu tranh giành quyền lợi và công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam, Hoa Kỳ, thông lệ quốc tế.