Năm Chéo – Cú huých mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga

NDO -

NDĐT – Năm 2019-2020 được lựa chọn là thời gian Việt Nam và LB Nga cùng tiến hành Năm Chéo tại mỗi quốc gia. Sự kiện này mở ra cơ hội mới phát triển quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga, vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nhân sự kiện này, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã có bài viết đăng trên Nguyệt san Đời sống quốc tế số ra tháng 9-2019 của Nga. Báo Nhân Dân điện tử xin giới thiệu bản dịch bài viết này.

Năm Chéo – Cú huých mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga

Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5 năm nay đã diễn ra Lễ khai mạc Năm Chéo giữa hai nước Việt Nam và LB Nga, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã chủ trì và phát biểu khai mạc. Năm Chéo Việt Nam và LB Nga là một sự kiện lớn với hơn 200 hoạt động trong thời gian từ quý II-2019 đến hết năm 2020. Các hoạt động mang nhiều ý nghĩa, có tính biểu tượng, thật sự là cú huých mới trong việc củng cố và làm sâu sắc quan hệ hai nước. Các hoạt động Năm Chéo có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội của cả phía Việt Nam và Liên bang Nga. Đây không chỉ là hoạt động giao lưu văn hóa, mà còn là việc trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức các diễn đàn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư, giao lưu nhân dân…

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Năm Chéo Việt Nam tại Nga và Liên bang Nga tại Việt Nam được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt – Nga và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga năm 2020. Đây là sự kiện đầy ý nghĩa trong lịch sử quan hệ hai nước, góp phần mở rộng và nâng cao sự hiểu biết của người dân hai nước về đất nước và con người của nhau, nhất là lịch sử, truyền thống, cuộc sống đương đại, văn hóa nghệ thuật của hai quốc gia. Năm Chéo cũng sẽ thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân, qua đó làm sâu sắc và nâng cao hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga vì lợi ích của hai đất nước, hai dân tộc. Về phần mình, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nhấn mạnh việc tổ chức Năm Chéo giữa hai nước là “sáng kiến tuyệt vời, khẳng định tính chất đặc biệt, nhiều mặt của hợp tác Nga – Việt và sự sẵn sàng củng cố mối quan hệ hợp tác đó bằng mọi biện pháp”.

Nhân dịp khai mạc Năm Chéo, một loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu ẩm thực và du lịch Việt Nam phong phú được tổ chức tại Moscow và Saint Petersburg như: Chương trình âm nhạc, nghệ thuật đặc biệt “Việt Nam – quê hương tôi” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn với các tiết mục ca múa dân tộc truyền thống của các vùng miền Việt Nam với màn trình diễn áo dài dân tộc, các tiết mục nhạc cụ dân tộc nổi tiếng của Việt Nam; Triển lãm ảnh “Cảm xúc nước Nga”, triển lãm Tranh Đông Hồ trong khuôn viên Nhà hát Zaryadye ở Moscow; Triển lãm tranh sơn mài tại Bảo tàng lịch sử đương đại trung ương Nga ở Moscow; Triển lãm “Những nền văn hóa cổ Việt Nam” tại bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg; lễ hội ẩm thực Việt Nam… Bên cạnh đó, Diễn đàn doanh nghiệp hai nước cũng được tổ chức, đã góp phần tăng cường tiếp xúc, kết nối giữa doanh nghiệp hai nước.

Các hoạt động trên đã gây được tiếng vang lớn, góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân Nga về một đất nước Việt Nam tươi đẹp và đang phát triển mạnh mẽ, về văn hóa độc đáo và lịch sử lâu đời, giàu bản sắc truyền thống, về những tinh hoa ẩm thực và tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam. Các triển lãm cũng đã giúp cho người Nga hiểu thêm về con người Việt Nam cần cù lao động, yêu hòa bình, luôn dành tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và con người Nga.

Điểm sáng nổi bật trong quan hệ Việt Nam – LB Nga là quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược, trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, nhất là cấp cao. Việt Nam phát triển quan hệ với Nga trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, từ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội đến hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân. Tháng 9-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức LB Nga, Thủ tướng Nga Medvedev thăm chính thức Việt Nam tháng 11-2018, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga V.Volodin thăm Việt Nam tháng 12-2018. Trong năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Nga; Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân dự kiến sẽ thăm chính thức Nga vào cuối năm 2019. Trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM… Việt Nam và LB Nga luôn có sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau.

Trong những năm gần đây hợp tác giữa Việt Nam và Nga về kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển khá năng động. Các dự án hợp tác dầu khí được triển khai hiệu quả tại cả hai nước, đặc biệt Liên doanh Vietsovpetro thành lập năm 1981 đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt – Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 30%/năm. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, kim ngạch đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2017; năm tháng đầu năm 2019 kim ngạch đạt 1,87 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 5-2019, Nga có 128 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 954 triệu USD. Việt Nam hiện có 15 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn khoảng 2,83 tỷ USD, trong đó chủ yếu là: các dự án thăm dò và khai thác dầu khí của các liên doanh Rusvietpetro và Gazpromviet; Trung tâm đa chức năng Hà Nội – Moscow; các dự án xây dựng tổ hợp công nông nghiệp về chăn nuôi bò sữa và chế biến sản phẩm sữa sử dụng công nghệ cao tại Moscow và Kaluga của Tập đoàn TH True Milk. Phát huy những thành công trong hợp tác ở các lĩnh vực năng lượng điện, dầu khí, hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác về xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; lắp ráp ô-tô, máy kéo; hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số và bảo đảm an ninh mạng như xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng gió, giống cây trồng, thuốc trừ sâu, sản xuất thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh như thuốc chữa ung thư, thuốc đông y có nhiều triển vọng.

Về du lịch, năm 2018 có hơn 600 nghìn lượt người Nga đi du lịch Việt Nam, tăng 5,7% so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng khách Nga vào Việt Nam đạt 319 nghìn lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nga trở thành nước đứng đầu châu Âu và xếp thứ 6 trong số các nước và vùng lãnh thổ có lượng khách vào Việt Nam nhiều nhất, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc). Ngược lại, có hàng chục nghìn người Việt Nam đã sang Nga du lịch trong hai năm trở lại đây.

Hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển năng động và trở thành một trụ cột trong quan hệ hai nước trong thời gian qua. Từ năm 2000 đến năm 2018, có 67 công trình nghiên cứu khoa học chung đã và đang được triển khai theo những lĩnh vực ưu tiên như kỹ thuật sinh học, y tế và dược; công nghệ vật liệu mới và công nghệ nano; công nghệ vũ trụ; sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu về biển; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân; công nghệ khai thác dầu khí và than; công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp và đồ uống, chế tạo máy và đóng tàu.

Một trong những điểm sáng của sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Hiện nay, hai bên đang tích cực triển khai xây dựng ở Việt Nam Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân với số vốn đầu tư 350 triệu USD, đây là một biểu tượng mới trong hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước trong thế kỷ 21.

Hợp tác về an ninh, quốc phòng và kỹ thuật quân sự là một trong những lĩnh vực hợp tác gắn bó truyền thống và là một trụ cột rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo các Bộ Quốc phòng và Bộ Công an của hai nước gặp nhau thường xuyên trong các hoạt động song phương và đa phương. Hai bên hiện đang duy trì cơ chế đối thoại chiến lược về quốc phòng và an ninh hằng năm. Hợp tác giữa hai bên hiện tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật quân sự (chuyển giao vũ khí, trang bị, công nghệ), hợp tác hải quân, đào tạo cán bộ, đấu tranh chống khủng bố, buôn bán ma túy, tội phạm xuyên quốc gia. LB Nga là nhà cung cấp chính về vũ khí và trang bị kỹ thuật cho Việt Nam; hợp tác với Việt Nam trong việc bảo trì, hiện đại hóa vũ khí, khí tài; chuyển giao các công nghệ mới nhất; trợ giúp đào tạo, huấn luyện. Hằng năm, Nga tiếp nhận hàng nghìn lưu học sinh Việt Nam sang đào tạo các ngành cho lĩnh vực quốc phòng và theo kênh của Bộ Nội vụ Liên bang Nga.

Việt Nam tiếp tục xác định Liên bang Nga là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và hợp tác kỹ thuật quân sự, đặc biệt trong hiện đại hóa Quân đội và nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các địa phương hai nước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào thực chất hơn, chú trọng hơn tới việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch. Bên cạnh việc củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác kết nghĩa đã có giữa Hà Nội và Moscow, Khánh Hòa và Khabarovsk, Đà Nẵng và Yaroslavl, Nghệ An và Ulyanovsk, TP Hồ Chí Minh và St. Petersburg, nhiều địa phương hai nước đang đẩy mạnh việc trao đổi đoàn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, giao lưu, hình thành nên các cặp quan hệ mới như Bình Thuận – Kaluga, Thanh Hóa – Tula, Quảng Ninh với Irkutsk...

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giao lưu nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh. Hai bên thường xuyên tổ chức những Ngày văn hóa, Tuần văn hóa, triển lãm tranh ảnh, hội thảo giới thiệu về đất nước, con người của nhau, gặp gỡ thầy trò Xô - Việt, Tuần phim Nga và Việt Nam. Tất cả những hoạt động này góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và gắn kết nhân dân hai nước, qua đó củng cố và phát triển quan hệ hai nước.

Hợp tác giáo dục – đào tạo tiếp tục là thí dụ sinh động trong quan hệ song phương giữa hai nước. Trong những năm gần đây, chính phủ Nga đã cấp gần 1.000 suất học bổng đào tạo ở tất cả các trình độ cho công dân Việt Nam sang theo học tại các trường đại học Nga, một con số cao hơn nhiều so với thời kỳ Liên Xô cũ. Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt – Nga lần thứ nhất được tổ chức thành công tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2019 đã tạo ra một mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giữa hai nước, góp phần cụ thể hóa và triển khai hiệu quả hơn nữa các thỏa thuận hợp tác về giáo dục đã ký giữa hai nước.

Những bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng, lẫn chiều sâu trong quan hệ Việt Nam – LB Nga với những thành tựu to lớn đạt được trong mọi lĩnh vực thời gian qua xuất phát từ những nhân tố sau:

Trước hết, hai nước có mối quan hệ hữu nghị tin cậy, có bề dày lịch sử lâu dài, qua mọi thử thách của thời gian và thăng trầm của lịch sử. Mối quan hệ này bắt nguồn từ lúc nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga vào những năm 20 của thế kỷ XX để tìm đường cứu nước, giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vào ngày 30-1-1950. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cũng như xây dựng đất nước, nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay đã dành sự ủng hộ tinh thần to lớn và sự giúp đỡ vật chất quý báu cho nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh, nhờ sự giúp đỡ về tín dụng và kỹ thuật của Liên Xô, hàng loạt công trình lớn được xây dựng ở Việt Nam như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Liên doanh dầu khí Vietsopetro, cầu Thăng Long… Những công trình này hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, nhân tố đặc trưng quan trọng hàng đầu trong quan hệ hai nước Việt Nam và Nga là độ tin cậy chính trị rất cao. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển dựa trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước. Điều này đã nhiều lần được khẳng định và được tái khẳng định gần đây nhất trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9-2018), lãnh đạo hai nước khẳng định đường lối nhất quán là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ ba, việc thúc đẩy quan hệ đối tác đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với chiến lược phát triển của mỗi quốc gia về kinh tế và đối ngoại. Thực tế là hai nước Việt Nam và Nga có những tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Trong bối cảnh tình hình quốc tế vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường, cả hai nước đều mong muốn có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và chung nguyện vọng tăng cường sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Lãnh đạo Nga coi Việt Nam là “một đối tác hàng đầu” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là một trong những ưu tiên của Nga trong chính sách hướng Đông mà nước Nga theo đuổi. Sự tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước được coi là một trong những tiền đề quan trọng giúp Nga tăng cường sự hiện diện và xác lập ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông - Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, đồng thời giúp Nga cân bằng các lực lượng khác trong khu vực này.

Thứ tư, cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay, đã có trên 100 văn kiện hợp tác được ký kết thuộc tất cả lĩnh vực như kinh tế - thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục - đào tạo, văn hóa – khoa học, kỹ thuật quân sự.

Cuối cùng là sự thiện chí với nhau, sự gần gũi, gắn bó về tinh thần của nhân dân hai nước trong suốt thời gian dài, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử lại càng bền chặt hơn. Các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt những người đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại Nga luôn có những tình cảm nồng hậu đối với nước Nga rộng lớn, tươi đẹp, con người Nga yêu nước, nhân hậu, giàu lòng vị tha. Chúng ta vui mừng về những thành tựu vĩ đại mà nhân dân Nga đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Ngược lại, nhân dân Nga, nhất là những thế hệ dưới thời Xô Viết đã sát cánh giúp đỡ Việt Nam giành độc lập, luôn có những ấn tượng tốt đẹp về đất nước Việt Nam xinh đẹp, giàu lòng mến khách, về một nền văn hóa Việt Nam lâu đời, giàu bản sắc, nhân dân Việt Nam luôn có tinh thần yêu nước quật cường trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và cần cù lao động xây dựng đất nước. Tất cả những điều này là nhân tố rất quan trọng giúp hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố truyền thống hữu nghị và hợp tác trong nhiều mặt.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu lớn trong phát triển quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga trong thời gian gần đây, nhưng có thể nhận thấy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp với độ tin cậy rất cao và tiềm năng của cả hai bên. Các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đang có những tác động tiêu cực tới các khâu thanh toán các hợp đồng thương mại và một số dự án hợp tác giữa hai nước như Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú – 1. Bên cạnh đó, việc triển khai thực thi các thỏa thuận đã ký còn chậm, chưa thật sự hiệu quả trong nhiều lĩnh vực; thông tin về đất nước và con người Việt Nam và Nga thời hiện tại còn thiếu… cũng phần nào cản trở sự phát triển quan hệ hai nước.

Để tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, tạo động lực cho phát triển quan hệ. Hai bên cần đẩy mạnh phối hợp hành động với nhau trên các diễn đàn quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Thứ hai, nâng cao vai trò hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên hằng năm; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội hai nước đối với các thỏa thuận đã ký, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Liên nghị viện hai nước được thành lập sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Duma quốc gia Nga Volodin vào tháng 12-2018.

Thứ ba, xây dựng các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên, giải tỏa các vướng mắc trong lĩnh vực này như: tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), các lợi ích, ưu đãi mà Hiệp định đem lại; giải quyết các vấn đề kiểm dịch động thực vật, cho phép tăng số lượng doanh nghiệp hai nước được xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản sang thị trường của nhau; tăng mức thanh toán bằng đồng nội tệ để có thể khắc phục những hạn chế do lệnh cấm vận.

Thứ tư, cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là tháo gỡ các khó khăn trong việc đi lại, nhập cảnh; sớm ký kết Hiệp định mới về lao động có thời hạn trên lãnh thổ của nhau cho công dân hai nước.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất hơn, trong đó chú trọng đến hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Thứ sáu, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu về đất nước con người của nhau, các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước. Xúc tiến các hoạt động quảng bá văn hóa giữa hai nước thông qua hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông hai nước tăng cường quảng bá về đất nước và con người của nhau, về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Năm Chéo Việt Nam - Nga mở ra cơ hội mới cho việc thực hiện các biện pháp trên. Và chúng tôi tin tưởng rằng, với ý chí và nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới.