Một hướng nhìn về đổi mới mô hình tăng trưởng

Có thể thấy, sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đó trong 30 năm qua đang có xu hướng giảm dần. Nhiều nghị quyết của Ðảng trong gần 10 năm qua đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo bên cạnh việc khai thác lao động và nguồn vốn.

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng

Ðã có rất nhiều mô hình về tăng trưởng kinh tế, nhưng tựu trung lại các mô hình này đều tập trung vào các nhân tố cơ bản đó là: vốn, lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp. Thước đo chủ yếu về hiệu quả của lao động đó là năng suất lao động, tức là sản lượng tính trên một đơn vị lao động. Yếu tố thứ hai là khối lượng vốn trên một đơn vị lao động. Ðó là cách tiếp cận truyền thống về tăng trưởng kinh tế dưới hai cấu phần vốn và lao động.

Ngày nay các quốc gia tập trung vào năng suất các yếu tố tổng hợp do sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ. Ðổi mới mô hình tăng trưởng có hai cách tiếp cận. Cách tiếp cận thứ nhất là từ một mô hình tăng trưởng kinh tế đặc thù của mỗi quốc gia mà họ cần thay đổi các nhân tố gì để tăng trưởng kinh tế đạt được tốc độ cao nhất có thể và mang tính bền vững. Cách tiếp cận thứ hai là xem xét các mô hình tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới và đối chiếu các điều kiện đặc thù có tính tương đồng của nền kinh tế nước mình và sử dụng nó như một tham chiếu căn bản cho mô hình tăng trưởng của đất nước mình. Có lẽ việc kết hợp hai mô hình này là cách thức mà chúng ta nên tiếp cận khi đặt ra vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trước hết cần đặt vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được mục đích cuối cùng là gì? Nhằm để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hay mô hình tăng trưởng đổi mới đó là công cụ, phương tiện để nền kinh tế đạt tới các mục tiêu khác như công bằng xã hội, bảo vệ môi trường… Có lẽ nên tổng hợp các mục tiêu này khi đặt ra vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về yêu cầu tăng năng suất lao động

Các nền kinh tế phát triển đều dựa vào năng suất lao động để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Chậm nâng cao năng suất lao động đồng nghĩa với việc làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. So sánh năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn từ hai lần so với Phi-li-pin đến 14 lần so với Xin-ga-po. Nguyên nhân chủ yếu đó là các ngành kinh tế của nước ta về cơ bản ít sử dụng tri thức, khoa học - công nghệ, lao động có kỹ năng, các ngành nghề dựa vào các ngành thâm dụng vốn. Lao động tập trung nhiều ở các khu vực nông, lâm, thủy sản và lao động chưa qua đào tạo còn lớn. Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đến nay chủ yếu là sự chuyển dịch cơ cấu từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao hơn. Còn năng suất nội bộ ngành có cải thiện nhưng rất chậm. Với thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có nhiều điều kiện để có thể tiếp cận công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế số. Nó cho phép Việt Nam có các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh, chuỗi cung ứng thông minh đáp ứng nhu cầu của khách hàng linh hoạt và hiệu quả hơn. Hiện thực hóa các yêu cầu đòi hỏi này trong 5 năm, 10 năm tới bằng các chính sách cụ thể, mang tính khả thi sẽ là một cuộc đổi mới thực chất tạo cú huých cho năng suất lao động gia tăng đột biến, cũng như mô hình tăng trưởng được đổi mới một cách căn bản, thực chất.

Về sáng tạo và đổi mới công nghệ

Các nền văn minh phương Tây nói chung có truyền thống về đổi mới và sáng tạo. Ðiều này giải thích vì sao các cuộc cách mạng về khoa học - công nghệ đều khởi phát từ phương Tây. Các mô hình tăng trưởng kinh tế ngày nay đều coi trọng vai trò của đổi mới sáng tạo trước những thành tựu của khoa học - công nghệ. Ở Việt Nam, mức độ đóng góp của khoa học - công nghệ đối với nền kinh tế vẫn còn rất thấp. Mức độ sẵn sàng về công nghệ trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu cho thấy vị trí của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn, đứng quanh mức 100 trong gần 150 quốc gia khảo sát. Riêng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thì trong báo cáo thường niên ngày 2-9-2020 của Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) đã xếp hạng Việt Nam thứ 42/131 quốc gia. Việt Nam đứng thứ ba sau Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a ở Ðông - Nam Á và đứng thứ chín ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu khác liên quan đến khoa học - công nghệ của Việt Nam vẫn còn ở mức rất khiêm tốn so với nhiều nước khác. Chẳng hạn như tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP là chỉ tiêu rất quan trọng nhằm đánh giá cường độ nghiên cứu và phát triển của một quốc gia, tuy có được cải thiện từ mức 0,21% năm 2011 lên 0,55% năm 2017 nhưng so với các nước thì còn rất thấp. Chi cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp Việt Nam có tăng lên nhanh trong tổng chi nghiên cứu phát triển của cả nước nhưng so với các nước ASEAN vẫn còn rất thấp. Hơn nữa nghiên cứu phát triển ở nước ta tập trung phần lớn ở các doanh nghiệp lớn, còn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hoạt động này rất hạn chế. Chất lượng nghiên cứu khoa học - công nghệ so với mặt bằng ASEAN và quốc tế cũng ở mức thấp. Tỷ lệ về bằng sáng chế và ứng dụng (trên một triệu dân) còn nhỏ bé.

Ðây là những khó khăn, thách thức Việt Nam cần phải vượt qua nếu muốn đổi mới mô hình tăng trưởng có hiệu quả. Giáo sư Michael Porter, cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia nhận định về mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta như sau: “Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới đỉnh. Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô vốn, sử dụng nguồn nhân công giá rẻ với tay nghề thấp và giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thấp sẽ dẫn tới không thể cạnh tranh và nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro trong tương lai”. Nhận định này có vai trò như là một cảnh báo thuyết phục, và thực tế nó cũng khá quen thuộc trong nhận thức chung của xã hội, đặc biệt là tinh thần các nghị quyết của Ðảng về việc cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng qua chiều sâu để nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Một số giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng

Ðổi mới hay chuyển đổi hay lựa chọn tối ưu một mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam, tùy theo cách gọi, cuối cùng phải bảo đảm được mục tiêu kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường, ứng phó hiệu quả trước những cú sốc nhiều mặt từ bên ngoài. Dưới đây xin được đóng góp một vài giải pháp vào hệ thống các giải pháp, chính sách toàn diện để đạt đến thành công của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trước hết, cần thể chế hóa khá cụ thể các yêu cầu mục tiêu đặt ra từ các nội hàm đổi mới của mô hình tăng trưởng. Ðặc biệt chú trọng vai trò của đổi mới sáng tạo và hoạt động khoa học - công nghệ nhằm từng bước đưa nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Tiếp đến, cần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Ðây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng thực chất việc triển khai thực hiện do gặp phải nhiều khó khăn, nên tiến hành còn rất chậm. Ðể mô hình tăng trưởng mới phát huy tác dụng thì các cải cách về đầu tư công, về doanh nghiệp nhà nước, về thị trường tài chính, trong đó có các vấn đề về tài khóa và tiền tệ cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Cuối cùng, cải cách hành chính theo hướng triệt để, quyết liệt nhưng phải hiệu quả hơn. Quan điểm giữa “cấm và cho” cần được dứt khoát trong tinh thần của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật nên quy định rõ những gì các chủ thể không được làm, thay vì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Cả nước đang hướng về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều kỳ vọng hết sức lớn lao. Trước bao nhiêu thách thức của biến động chính trị, kinh tế thế giới, nhất là đại dịch Covid-19 trong hơn chín tháng qua, Việt Nam đã cho thế giới thấy sức mạnh kiên cường, bền bỉ. Và điều đó tự thân nó như một lời cổ vũ mạnh mẽ cho toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta hướng tới sự thành công của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, tiếp tục mở ra một chương mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước huy hoàng hơn, chói lọi hơn.

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC

Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia