Dân với Đảng

Một dịp để nâng cao nhận thức

Câu chuyện “giải cứu” nông sản Hải Dương ồn ào suốt những ngày qua. Ai nhìn hàng đống rau củ bày bán bên đường với giá rất rẻ đều không khỏi xót xa cho người nông dân. Chị Hương có lòng muốn giúp nhưng ngặt nỗi điểm bán ở xa. Chị nói với đồng nghiệp:

- Sao chính quyền, cơ quan chức năng không kết nối với doanh nghiệp để đưa nông sản đi tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ của họ nhỉ. Tôi thấy các siêu thị mi-ni, hàng thực phẩm ở khắp ngõ ngách phố xá, khu dân cư. Nếu rau củ, gà, cá… được đưa đến đó, chị em chúng mình có thể mua hằng ngày, lượng tiêu thụ mới đáng kể. Giúp bà con vượt qua khó khăn là hành động đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, nhưng mặt khác cũng có bất cập như một số điểm bán ảnh hưởng đến an toàn giao thông, hàng hóa phải giải tỏa nhanh nên nhiều khi bán rẻ như cho…

- Chị ơi, chính quyền và cơ quan chức năng đã có sự kết nối. Một số doanh nghiệp đã tham gia nhưng đều thu mua qua hợp tác xã (HTX), chứ không mua của các hộ sản xuất nhỏ lẻ, vì hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát chất lượng hàng nông sản của các hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó. Vậy nên bà con phải “tự bơi” như thế.

- Từ thực tế này có thể thấy, đây là dịp rất cần thiết để người nông dân hiểu rõ hơn về vai trò của HTX và lợi ích khi trở thành thành viên, cô nhỉ.

- Ðúng như vậy chị ạ. Hiện nay, mô hình HTX có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế hộ cá thể. Tham gia HTX, các thành viên sẽ được cung cấp nguyên liệu đầu vào (giống cây con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, được hỗ trợ đầu ra (bao tiêu sản phẩm), được cung cấp thông tin thị trường… Tuy nhiên, do trong điều kiện bình thường, các hộ dân vẫn kết nối được với thương lái, cho nên chưa nhận thức rõ việc cần thiết tham gia HTX. Hơn nữa, thực tế nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò.

- Vấn đề này tôi cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm, sâu sát hơn nữa, có giải pháp đi vào chiều sâu. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX phải nằm ở chủ trương, tầm nhìn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước hết, địa phương cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của HTX, giúp đội ngũ lãnh đạo HTX bắt nhịp được với nền kinh tế sôi động, trở thành cầu nối quan trọng giữa người nông dân và thị trường. Ðối với sản xuất, trên cơ sở xét thấy địa bàn có lợi thế những mặt hàng nào, cấp ủy, chính quyền cần quy hoạch vùng trồng cùng với những chính sách cần thiết giúp các hộ sản xuất giữ được chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ quảng bá hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, bảo đảm giá... Tầm nhìn xa hơn, để phát triển bền vững, địa phương cần thu hút đầu tư xây dựng các mô hình chế biến tại chỗ để tích trữ được nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa, giữ ổn định sản xuất cho người nông dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế tập thể, về sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.