Mối quan hệ mẫu mực, hiếm có giữa Việt Nam và Lào

NDO -

Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào càng trở nên đặc biệt hơn trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm ảnh hưởng đến toàn bộ các mặt của xã hội hai nước. Sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước cho thấy, Việt Nam và Lào luôn sát cánh bên nhau, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là mối quan trong sáng, thủy chung, mẫu mực và hiếm có trên thế giới.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng.

Nhân dịp năm mới 2021, đồng chí Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn của đồng chí Đại sứ.

Phóng viên: Thưa Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, xin Đại sứ chia sẻ về những thành tựu nổi bật của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong năm 2020 và một số phương hướng thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này trong năm 2021?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt đối với tất cả chúng ta. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều khía cạnh trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước, kể cả quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh đó, tôi rất vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục là một thí dụ độc đáo trong quan hệ quốc tế, không chỉ tiếp tục trong sáng, thủy chung mà còn trở nên đặc biệt hơn rất nhiều.

Thứ nhất, Việt Nam và Lào là hai nước hiếm hoi vẫn có thể duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc trực tiếp ở cấp cao nhất ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chỉ tính riêng từ khi hai nước công bố có dịch, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã ba lần thăm Việt Nam vào các tháng 7, 8 và 12-2020; Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Lào tháng 5-2020.

Có thể nói đây là những chuyến thăm đặc biệt nhất mà tôi từng chứng kiến và trực tiếp tham gia phục vụ. Hai bên phải xử lý các yêu cầu hết sức khác biệt so với thông thường về an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, bên cạnh việc bảo đảm các yêu cầu cao về nội dung như thông lệ.

Thứ hai, lần đầu tiên hai Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (Kỳ họp 42 và 43) diễn ra trong cùng một năm vào tháng 1 và tháng 12-2020, cho thấy sự khẩn trương của hai Chính phủ trong việc rà soát, thúc đẩy quan hệ song phương trước hai sự kiện chính trị quan trọng tại mỗi nước, đó là Đại hội lần thứ XI của Đảng NDCM Lào lần thứ XI và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt, Kỳ họp 43 mới đây với gần 20 thỏa thuận được ký kết, bao trùm hầu hết các lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, được hai Thủ tướng đánh giá là thành công chưa từng có. Nhiều vấn đề kéo dài đã có đột phá, tạo hành lang thuận lợi cho hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững trong thời gian tới.

Thứ ba, hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau một cách tận tình và hiệu quả trong các vấn đề liên quan đại dịch Covid-19. Chỉ hai ngày sau khi Lào phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Thongloun Sisoulith và công bố hỗ trợ Lào trang thiết bị, vật tư y tế. Chỉ hai tuần sau, Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia sang chia sẻ kinh nghiệm chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ các đối tác của Lào.

Điểm sáng là với lợi thế của hai nước có chung đường biên giới hòa bình, hữu nghị, công dân hai nước vẫn được tạo điều kiện xuất nhập cảnh thuận lợi trong khi vẫn bảo đảm tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch; hàng hóa vẫn được lưu thông, bảo đảm duy trì kim ngạch thương mại tăng trưởng ở mức khả quan, dự kiến đạt gần 1 tỷ USD trong năm 2020.

Thứ tư, hai nước đã phối hợp chặt chẽ tổ chức thành công, an toàn những ngày lễ kỷ niệm lớn của hai nước trong năm 2020. Có lẽ tôi không thể nào quên lần tổ chức chiêu đãi mừng 75 năm Quốc khánh Việt Nam năm qua. Công tác tổ chức phức tạp hơn rất nhiều do phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của Covid-19. Gần như đến phút chót, Đại sứ quán mới có thể chốt phương án trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của bạn Lào về số lượng khách, giãn cách xã hội, vệ sinh….

Rất may mắn, sự kiện hiếm hoi được tổ chức trong Ngoại giao đoàn tại Vientiane kể từ đại dịch bùng phát đã thành công tốt đẹp, chuyển một thông điệp tích cực đến bạn bè quốc tế về quan hệ đặc biệt Việt Nam cũng như thành công của cả hai nước trong việc không chế Covid-19.

Năm 2021 sẽ là năm bản lề quan trọng đối với Việt Nam, Lào và quan hệ hai nước. Đây là năm đầu tiên hai bên triển khai thực Nghị quyết Đại hội Đảng của mỗi nước cũng như các Chiến lược, Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025 với nhiều điểm mới về nội dung và biện pháp triển khai.

Trên đà của năm 2021, hai nước sẽ tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu; tăng cường hơn nữa trụ cột hợp tác về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, mở rộng giao lưu nhân dân và các địa phương hai nước. Đặc biệt, hai nước cần phối hợp, hỗ trợ nhau khắc phục các hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, sớm đưa hai nước trở lại nhịp độ tăng trưởng kinh tế tốt như trước dịch.

Phóng viên: Lào là một trong những địa bàn có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, làm việc và là nước giáp biên với Việt Nam. Đại sứ quán đã triển khai công tác bảo hộ công dân như thế nào trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh Covid-19, ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán là bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam tại Lào theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt trong thời gian đầu khi người Việt Nam khắp nơi trên thế giới tìm cách về nước tránh dịch.

Cộng đồng người Việt Nam tại Lào khá lớn, khoảng hơn 100 nghìn người, trong đó hơn một nửa là lao động tự do, thời vụ. Khi Covid-19 bùng phát, nhu cầu về nước của bà con rất lớn.

Giữa tháng 3-2020, sau khi Việt Nam và Lào tuyên bố đóng cửa biên giới, một lượng lớn công dân tự phát tìm cách về nước qua đường bộ, tạo áp lực rất lớn cho cả bạn Lào lẫn các cơ quan chức năng và địa phương giáp biên của ta. Đại sứ quán đã khẩn trương triển khai các biện pháp mới để bảo hộ công dân tốt nhất có thể.

Mối quan hệ mẫu mực, hiếm có giữa Việt Nam và Lào -0
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith ký Thỏa thuận hợp tác, tại Tham vấn Chính trị thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào lần thứ 7, ngày 29-11-2020 ở Vientiane, Lào. 

Thứ nhất, Đại sứ quán đã tăng thêm ba số điện thoại trực 24/7 ngoài số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân để bảo đảm tiếp nhận thông tin, yêu cầu của bà con và cung cấp hướng dẫn một cách nhanh chóng, kịp thời.

Thứ hai, Đại sứ quán giữ liên hệ chặt chẽ, liên tục với các cơ quan chức năng của Lào và các cơ quan đại diện thông tấn, báo chí của Việt Nam tại địa bàn để kịp thời cập nhật chủ trương, quy định của Lào về công tác phòng chống dịch liên quan đến cộng đồng người Việt Nam.

Thứ ba, thông qua Tổng hội người Việt Nam tại Lào và Hội người Việt Nam tại thủ đô Vientiane, Đại sứ quán đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, động viên bà con bình tĩnh, chấp hành nghiêm túc các quy định của Lào và Việt Nam liên quan Covid-19; phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước hỗ trợ bà con vật tư y tế thiết yếu để phòng dịch.

Thứ tư, Đại sứ quán nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng Lào và Việt Nam tổ chức cho bà con về nước một cách trật tự, hợp pháp, thuận lợi, có địa điểm cách ly theo đúng quy định. Tính đến nay, có khoảng 63 nghìn lượt công dân Việt Nam đã về nước. Trong thời gian gần đây, có những ngày Đại sứ quán nhận được gần một nghìn đơn xin về nước của bà con. Có thể nói đây là dòng công dân di chuyển về Việt Nam lớn nhất trong những năm qua. May mắn là Việt Nam và Lào có các cửa khẩu đường bộ, nếu không với số lượng như vậy, chúng ta có lẽ phải tổ chức hàng trăm chuyến bay giải cứu công dân.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán còn phối hợp giải quyết cho khoảng 10 nghìn công dân Việt Nam từ Thái Lan, trong đó có cả một số cán bộ ngoại giao ta hết nhiệm kỳ, về nước bằng đường bộ qua Lào. Đại sứ quán đã thu xếp để bà con được nhập cảnh Lào, được cảnh sát Lào hộ tống, di chuyển thẳng từ biên giới Lào - Thái Lan tới biên giới Lào - Việt Nam, vừa đáp ứng nguyện vọng của bà con, vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho bạn Lào.

Ngoài ra, điểm sáng rất đáng chú ý là trong bối cảnh cả Lào và Việt Nam siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, công tác bảo hộ công dân thông thường vẫn được thực hiện hiệu quả như đưa thi hài, di hài của công dân tử vong tại Lào về nước, đưa công dân bị bệnh về nước điều trị... Đặc biệt, Đại sứ quán không chỉ hết lòng phục vụ công dân Việt Nam, mà còn nhiệt tình hỗ trợ cả công dân Lào sang Việt Nam chữa bệnh, lưu học sinh Lào sang Việt Nam kịp cho năm học mới… 

Phóng viên: Lào là một trong những địa bàn có số lượng khá lớn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Năm 2020, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đã đạt được những kết quả tích cực. Đại sứ quán đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đạt được kết quả trên?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Hiện nay Lào là địa bàn có số lượng doanh nghiệp và giá trị đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Tính lũy kế, Việt Nam có 414 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 4 tỷ 220 triệu USD, xếp thứ ba tại Lào, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan.

Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cơ bản đã tận dụng và kết hợp được tiềm năng, thế mạnh của Lào và lợi thế, kinh nghiệm của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều dự án đã thành công, tạo hàng chục nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước Lào.

Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam tại Lào do nhiều nguyên nhân, trong đó có các hậu quả tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra đối với toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của Lào. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đầu tư của Việt Nam tại Lào là động lực chính thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Đại sứ quán không ngừng chú trọng công tác tạo thuận lợi cho đầu tư Việt Nam tại Lào, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đặc biệt trong năm 2020.

Thứ nhất, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là kinh tế vĩ mô, pháp lý, chủ trương, chính sách mới của Lào và cả Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp qua nhiều kênh, như website của Đại sứ quán, Bản tin kinh tế, hoặc trực tiếp tại các hội nghị doanh nghiệp, đặc biệt các vấn đề liên quan đến biện pháp phòng, chống Covid-19 của cả hai nước.

Đại sứ quán cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng Lào để xác định cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch, quy mô, công nghệ hiện đại.

Thứ hai, Đại sứ quán định kỳ tổ chức các chuyến công tác thực địa, hội nghị doanh nghiệp, ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn ra để nắm bắt tình hình, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và kiến nghị các cơ quan chức năng hai nước tìm giải pháp.

Đại sứ quán cũng làm cầu nối cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan chủ quản của Lào như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Năng lượng và Mỏ, Bộ Tài chính, các sở, ban ngành của Thủ đô Vientiane và địa phương. Các doanh nghiệp có nhu cầu đều được hỗ trợ trong việc xin cấp phép mới, gia hạn cấp phép, tìm kiếm đối tác, đàm phán ký kết thỏa thuận kinh doanh… .

Thứ ba, Đại sứ quán theo dõi, thúc đẩy hoạt động của Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI) để Hội làm tốt hơn vai trò kết nối các doanh nghiệp thành viên hiện tại và tương lai.

Hiện nay, Đại sứ quán đang làm việc chặt chẽ với Ban Chấp hành Viet-Lao BACI để củng cố Hội theo hướng thành lập các chi nhánh của Hội tại bắc, trung và nam Lào và Trung ương Hội tại Thủ đô Vientiane, đưa hoạt động của Hội đi vào chính quy, hiệu quả.

Xin cảm ơn Đại sứ Nguyễn Bá Hùng!