Loại người có tỷ lệ tín nhiệm thấp khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

NDO -

Người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mà có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri không đạt hơn 50% thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QUANG KHÁNH
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QUANG KHÁNH

Sáng 11-1, tại phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

UBTVQH cũng tiến hành xem xét, thông qua hai Nghị quyết:

(1) Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung;

(2) Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Loại khỏi danh sách hiệp thương đối với người ứng cử có tín nhiệm không đạt hơn 50%

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri, căn cứ vào ý kiến kết luận của UBTVQH tại phiên họp 51 (tháng 12-2020), Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục sáu tháng trở lên.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri tại nơi cư trú như hiện hành và không bổ sung quy định về việc chia nhỏ số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri.

Về vấn đề tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, sau khi thảo luận tại phiên họp, UBTVQH cũng thống nhất quy định theo hướng “người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội (bao gồm cả cử tri công tác tại Viện Nghiên cứu lập pháp). UBTVQH giao Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội triệu tập và chủ trì hội nghị này”.

Đáng chú ý, đối với việc hướng dẫn quy trình hiệp thương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt hơn 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác; nếu không đạt hơn 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đối với người có tỷ lệ tín nhiệm không đạt hơn 50% -0
Quang cảnh phiên họp sáng 11-1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quốc hội quyết định số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại TP Hà Nội

Về dự thảo nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, báo cáo giải trình của Ủy ban Pháp luật nêu rõ, UBTVQH thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định về việc xác định quy mô dân số của các đơn vị hành chính theo số liệu do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố và việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo làm cơ sở để xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu; về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đáng chú ý, về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại TP Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Kết luận phiên họp thứ 51 của UBTVQH đã nêu rõ: Đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung gửi UBTVQH thể hiện rõ quan điểm về việc quy định số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của TP Hà Nội. Ngày 5-1-2021, Chính phủ đã có Báo cáo số 01/BC-CP về việc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết gửi UBTVQH.

Theo báo cáo của Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có quy định về chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội cũng không quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội và HĐND quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Do đó, Chính phủ đề nghị UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội khóa XIV.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp của UBTVQH không quy định đặc thù về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại TP Hà Nội mà vấn đề này cần được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 11.

Cũng tại phiên họp, 100% Ủy viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua: (1) Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; (2) Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Riêng đối với dự thảo Nghị quyết liên tịch của UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, UBTVQH giao Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, tổ chức việc trình UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ký ban hành.