Lào Cai khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) của tỉnh Lào Cai năm 2019 cho thấy, điểm mới và khác biệt của chỉ số DDCI là hướng tới nâng cao nhận thức và mối quan tâm về những vấn đề như: Bình đẳng giới, phụ nữ làm kinh tế, doanh nhân nữ, các vấn đề về môi trường, sinh thái trong quá trình phát triển, người dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế...

Nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: ĐỨC ANH
Nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: ĐỨC ANH

Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, Lào Cai khuyến khích các hoạt động điều hành kinh tế tại địa phương theo hướng quan tâm đúng mức và có hành động cụ thể nhằm bảo đảm hài hòa các vấn đề về bình đẳng giới, xã hội, môi trường. Theo các khảo sát mới đây, ở Lào Cai, số doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ chiếm 38%, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại dịch vụ và tại khu vực đô thị. Những kết quả này cho thấy, phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai cần được tạo cơ hội hơn nữa.

Từ đầu năm 2020, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm từng bước trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Thí dụ như, tại thị xã Sa Pa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho phụ nữ người dân tộc thiểu số; tổ chức tại huyện Văn Bàn lớp tập huấn kỹ năng nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số, xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt nhằm cải thiện vị thế kinh tế cho phụ nữ. Hiện, tỉnh Lào Cai điều chỉnh cách đánh giá chỉ số DDCI gắn với tiêu chí phân xếp loại hằng năm của cấp ủy, chính quyền các sở, ngành địa phương.

★ Tỉnh ủy Sóc Trăng chủ trương phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là phải gắn với việc quảng bá hình ảnh địa phương, con người Sóc Trăng nhằm bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, lịch sử tại các điểm chùa, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; nâng cao tầm vóc các sự kiện lễ hội độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Trong thời gian qua, tại tỉnh Sóc Trăng đã hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới như: Tuyến tàu cao tốc Trần Ðề - Côn Ðảo, điểm du lịch Tân Huê Viên, Khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng… thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa như Khu di tích lịch sử quốc gia Ðền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy; mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội; đồng thời kêu gọi đầu tư du lịch biển. Các lễ hội truyền thống như lễ nghinh Ông, lễ cúng Phước Biển, lễ hội Cúng Dừa cũng được nâng tầm, nhằm thu hút khách du lịch tham gia, trải nghiệm. Ðối với loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành các mô hình du lịch tham quan vườn cây ăn trái, lưu trú homestay… Trong năm 2020, tỉnh phấn đấu hoàn thành Ðề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020 và triển khai đề án trong đời sống xã hội; tăng cường quản lý hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ du lịch; có chính sách cụ thể thu hút nguồn vốn để nâng cấp, phát triển hạ tầng kết nối phục vụ phát triển du lịch.