Làm tốt công tác chuẩn bị để ngày bầu cử là Ngày hội non sông thành công tốt đẹp

NDO -

Ngày 18-5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng chủ trì có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cùng dự hội nghị ở điểm cầu Hội đồng Bầu cử quốc gia có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia: Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cùng các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia...

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Tại các điểm cầu địa phương có sự tham dự của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, thành viên Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần thứ hai kể từ ngày 21-1, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử. Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, của Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng cơ quan, các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Công an đã tổ chức lễ ra quân, phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và có kết quả rất thành công. Một số địa phương đã tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn rất lớn về phòng, chống Covid-19, đơn cử như TP Hà Nội, Đà Nẵng, và một số địa phương khác. Qua theo dõi, các địa phương rất tích cực, chủ động và đã tổ chức diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là những khu vực cách ly tập trung, những nơi có giãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số địa bàn dân cư, một số quận, huyện.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay một số công việc chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn thành, sẵn sàng cho bầu cử vào ngày 23-5 sắp tới. Từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn năm ngày, để bảo đảm cho cuộc bầu cử được tổ chức một cách dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn, thành công tốt đẹp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta và một số địa bàn trọng điểm, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần này nhằm mục đích tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị, kịp thời lắng nghe và giải quyết những vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, tổ chức cơ quan hữu quan nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất, đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra đúng theo kế hoạch, thật sự là ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân và thật sự thành công tốt đẹp.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Cụ thể, nhiều địa phương đã áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phán ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung, sửa đổi thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia tổ bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch Covid-19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử bảo đảm công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt; trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử.

Theo báo cáo, tính đến 17 giờ ngày 14-5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp  nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đa số các nội dung tố cáo chủ yếu liên quan nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp về các nội dung quản lý đất đai, xây dựng; số vụ khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn gửi về Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước.

Đồng chí Bùi Văn Cường cũng đề cập tình hình số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp tình hình bùng phát dịch Covid-19; chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông trong cuộc vận động bầu cử. Việc xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo còn chậm. Công tác tuyên truyền chưa thật sự có tác động rộng rãi trong toàn dân, việc hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử về tiếng dân tộc còn gặp khó khăn…

Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng công an phối hợp lực lượng quân đội có kế hoạch cụ thể không để bị động; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong triển khai bầu cử tại các địa phương, căn cứ các văn bản của Hội đồng Bầu cử quốc gia, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, các bộ ngành liên quan, các bệnh viện tuyến Trung ương, các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản với những phương án cụ thể và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau ngày bầu cử. Qua báo cáo của các địa phương và qua các cuộc kiểm tra, giám sát cho thấy, công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, con dấu của các tổ chức bầu cử, hòm phiếu, hòm phiêu phụ, in ấn, cấp phát tài liệu, thẻ cử tri, danh sách, tiểu sử những người ứng cử, phiếu bầu cử... được các địa phương chuẩn bị chu đáo, bàn giao cho các tổ chức phụ trách bầu cử theo đúng thời hạn quy định...

Theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử. Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương đều diễn ra với tinh thần dân chủ, đúng luật và thể hiện sự thống nhất cao của MTTQ Việt Nam các cấp. Việc giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử ở Trung ương và địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn. Công tác tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú được triển khai đồng bộ, bảo đảm số lượng cử tri tham dự, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử để thực hiện vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ và có sự điều tiết hài hòa phù hợp từng địa phương, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp được triển khai khá bài bản, các đoàn giám sát do Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì đạt chất lượng, giúp các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo khi triển khai công tác bầu cử...

Sáng nay, các đại biểu đã nghe báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử và những kiến nghị, đề xuất từ các bộ, ngành, các địa phương…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đề nghị dự liệu các tình huống liên quan khí hậu, thời tiết trong ngày bầu cử. Vì thế cần tính đến trường hợp thời tiết không thuận lợi để ủy quyền cho địa phương tổ chức bầu cử cho phù hợp thực tế. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, Thượng tướng Phan Văn Giang nhất trí với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan và đại diện lãnh đạo một số địa phương kiến nghị có thể tổ chức bầu cử sớm ở những vùng dịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động cử tri đi bầu cử theo đúng quy định của pháp luật...

Theo đề nghị của 15 tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bạc Liêu), Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh này bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn ba tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã tổ chức bầu cử sớm...

Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 23 đoàn công tác đến làm việc tại 53 tỉnh, thành phố để giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương về việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử và các văn bản có liên quan; việc thực hiện các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương ban hành để phục vụ công tác bầu cử; việc lập và triển khai kế hoạch tổ chức bầu cử. Các địa phương cũng tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm đúng quy định…

(Theo báo cáo của đồng chí Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia)