Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Cao Bằng

NDO -

Sáng 1-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng Cao Bằng (3-10-1950 - 3-10-2020).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chúc mừng, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đạt được. Trong những năm qua, Cao Bằng đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng Cao Bằng là sự kiện chính trị quan trọng không chỉ với nhân dân Cao Bằng mà với nhân dân cả nước. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, Cao Bằng là chiến trường chính của chiến dịch, đồng thời là hậu phương tại chỗ phục vụ chiến dịch. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã huy động tối đa sức người, sức của góp phần quan trọng đảm bảo chiến dịch thắng lợi.

Chiến dịch Biên giới 1950, quân và dân ta vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, chỉ đạo, động viên quân và dân ta “quyết chiến, quyết thắng”. Thắng lợi Chiến dịch Biên giới 1950, ta đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực tinh nhuệ của địch; giải phóng một vùng biên giới có vị trí chiến lược, trọng yếu; thắng lợi chiến dịch tạo bước chuyển biến quan trọng, ta đã giành được quyền chủ động về chiến lược, mở ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, đưa cuộc kháng chiến toàn quốc đi đến thắng lợi, toàn thắng.

Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vận dụng sáng tạo bài học lịch sử, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tinh thần Chiến thắng Biên giới 1950, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, sớm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển năng động trong khu vực miền núi phía Bắc. Trước mắt, tỉnh cần tập trung hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội năm 2020; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Cao Bằng -0
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Chia sẻ với những khó khăn của Cao Bằng, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), chắc chắn khi tuyến cao tốc hoàn thành, sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh thời gian tới.

Trước đó, trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, tháng 6-1950, Ban Thường vụ TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch là: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng phần biên giới phía Đông Bắc, khai thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Cao Bằng được chọn là chiến trường chính của chiến dịch, đồng thời, là hậu phương tại chỗ phục vụ chiến dịch. Với  mục tiêu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, tỉnh Cao Bằng đã huy động một lượng lớn sức người, sức của tham gia chiến dịch. Đầu tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950, sự chỉ đạo, có mặt của Người là nguồn động viên lớn lao cho tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta.

Sáu giờ sáng ngày 16-9-1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch. Sau 54 giờ chiến đấu anh dũng, quyết liệt, đến ngày 18-9-1950, quân ta đã hoàn toàn làm chủ mặt trận Đông Khê. Thắng lợi tiếp nối thắng lợi, đến ngày 3-10-1950, thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Chiến dịch Biên giới toàn thắng, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); khai thông 750 km đường biên giới Việt-Trung; giải phóng 40 vạn dân và khoảng 4.000 km2, tạo ra chuyển biến, bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

70 năm qua, phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới 1950, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, có đóng góp xứng đáng, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân 1975. Trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Đến nay 100% tổ, xóm đều có Chi bộ với 57 nghìn đảng viên. Hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể không ngừng được nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt trên 7%/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt tăng trưởng bình quân tăng 11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh từng bước được khai thác hiệu quả.

Tới đây, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao do tập đoàn TH True Milk làm chủ đầu tư sẽ được triển khai với số vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng; dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng vốn đầu tư 21 nghìn tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị khởi công, sẽ mở ra cơ hội cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Cao Bằng quyết tâm, năng động trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh và đẹp về văn hóa trong khu vực miền núi Bắc bộ.

Dịp này, tỉnh Cao Bằng đã trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng” cho 70 cá nhân.

Lễ kỷ niệm khép lại với chương trình nghệ thuật mang tên “Bản hùng ca Chiến thắng Biên giới” gồm ba chương: Cội nguồn cách mạng; Vang mãi chiến công; Khát vọng vươn xa.