Kỷ niệm 30 năm trường học mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ukraine

NDO -

NDĐT - Ngày 23-1, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã phối hợp Trường phổ thông trung học số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm ngày trường được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam (23-1-1990 - 23-1-2020) và tổ chức Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm ngôi trường mang tên Người tại Kiev (Ukraine)”.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Đây cũng là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài” và hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), 130 năm ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 - 19-5-2020).

Đúng vào ngày 23-1-1990, để triển khai Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1990, Chính phủ Ukraine đã ra nghị quyết số 13 đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trường phổ thông trung học số 251 tại Quận Desnhianski, Thành phố Kiev và đã nhận được sự ủng hộ to lớn của chính phủ và nhân dân hai nước.

Dự buổi lễ và tham gia hội Hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Anh Tuấn; Chủ tịch Hội Nghị sĩ Hữu nghị Ukraine - Việt Nam Bragar Evgeni Vadimovich và các thành viên của Hội; Chủ tịch Hội hữu nghị Ukraine - Việt Nam Slapak Alexandr và các thành viên của Hội; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ giáo dục và Khoa học Ukraine, Sở Giáo dục Thành phố Kiev, Phòng giáo dục quận Desnhianski; Hội Cựu chiến binh Ukraine, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Ukraine; các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đông đảo giáo viên và sinh viên khoa tiếng Việt, Đại học Taras Shevchenko, Trường trung học phổ thông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng bà con trong cộng đồng người Việt tại Kiev và bạn bè Ukraine.

Kỷ niệm 30 năm trường học mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ukraine ảnh 1

Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn đọc tham luận tại Hội thảo.

Trong tham luận có tiêu đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới và 30 năm ngôi trường mang tên người tại Kiev - Ukraine”, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ ở phương diện lý luận, mà còn toả sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Điểm cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân, “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có tâm hồn và trí tuệ lớn lao và sự thật Người đã từng là một nhà thơ, một nhà báo và một nhà giáo.

Còn bà Sulga Larisa Panchilevna, Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tham luận của mình với tiêu đề “Thành tựu và triển vọng của trường Hồ Chí Minh” đã khẳng định, việc nhà trường được đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một cơ duyên và là niềm vinh dự của nhà trường, mà còn thể hiện khát vọng và hoài bão lớn lao của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ đây, Trường Hồ Chí Minh ở Kiev - Ukraine đã trở thành một điểm sáng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ukraine - Việt Nam. Nhà trường luôn cố gắng để xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời tạo nên một địa chỉ tin cậy cho cộng đồng người Việt Nam trong khu vực gửi gắm con em đến học ở trường, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc Ukraine - Việt Nam.

Kỷ niệm 30 năm trường học mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ukraine ảnh 2

Sulga Larisa Panchilevna, Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Isachenko Dmitry ca ngợi Hồ Chí Minh là một người anh hùng rất đáng trân trọng như các anh hùng dân tộc khác trong thế kỷ XX như Nelson Maldela, Phidel Castro... Những tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Mĩnh đã mang lại thành quả to lớn trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế và văn hóa cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Đặc biệt, với việc kế thừa chính sách và đường lối ngoại giao đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Chính phủ Việt Nam hiện nay đã rất thành công trong việc phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Ukraine luôn mong muốn không ngừng nâng cao hiệu quả và tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo với tư cách khách mời, ông Bargar Evegeni Vadimovich và Slapak Alexandrcảm thấy rất vinh dự được đến dự Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá thế giới, nhưng lại được tổ chức ở Kiev (Ukraine) và đánh giá cao những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Việt Nam và thế giới. Hai ông cho biết hai Hội, ngoài ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhân dân, còn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, văn hóa và kinh tế giữa hai nước và đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina nói chung và tại Kiev nói riêng.

Bên cạnh đó, học sinh của trường Hồ Chí Minh cũng đã trình bày một số phát biểu ca ngợi Hồ Chủ tịch như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân cách vĩ đại của thế kỷ XX, tấm gương của lòng dũng cảm, kiên định”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà hoạt động văn hóa xuất chúng, nhà thơ tài năng” và “Việt Nam hôm nay”.

Kỷ niệm 30 năm trường học mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ukraine ảnh 3

Các vị khách mời thăm quan Bảo tàng Hồ Chí Minh của nhà trường.

Cũng trong hội thảo, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn đã trao tặng 5 suất quà cho các học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích học tập xuất sắc; Một số doanh nghiệp cũng trao tặng các món quà bằng tiền và hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh của nhà trường, nơi đã được đón tiếp nhiều vị khách quý từ Việt Nam, như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, anh hùng phi công vũ trụ Phạm Tuân và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Kết thúc Hội thảo, các khách mời đã cùng thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc về Việt Nam và Ukraine, đặc biệt là bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” do các em học sinh của trường Hồ Chí Minh biểu diễn và cùng nhau tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh của nhà trường, thăm Triển lãm ảnh về “Đất nước, con người Việt Nam và Bác Hồ” được trưng bày tại Trường từ ngày 20 đến 23-1.