Kinh nghiệm trong tập trung giải quyết những việc khó ở Hà Tĩnh

NDO -

Thời gian qua, gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội các cấp từ cơ sở đến cấp trên cơ sở, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động giải quyết có hiệu quả những việc khó, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, góp phần tạo nên khí thế, niềm tin và sự đồng thuận cao trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.  

Người dân thôn Nam Xuân Sơn (Kỳ Tân) gấp rút hoàn thiện nhà ở tại khu TĐC Đồng Bàu – Ruộc Rõi.
Người dân thôn Nam Xuân Sơn (Kỳ Tân) gấp rút hoàn thiện nhà ở tại khu TĐC Đồng Bàu – Ruộc Rõi.

Khu tái định cư (TĐC) Đồng Bàu – Ruộc Rõi ở trung tâm xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) những ngày này đang trở thành một công trường tấp nập. Sau khi bốc thăm, nhận đất tái định cư, các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác thải Phú Hà tại thôn Nam Xuân Sơn (Kỳ Tân) đang tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện ngôi nhà mới tại khu TĐC để ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng ở thôn Nam Xuân Sơn cho biết, sau hơn một năm tiến hành kiểm kê, áp giá, gia đình chúng tôi đã nhận được đất ở mới tại khu TĐC. Diện tích đất được nhận tại khu ở mới tuy không rộng bằng nơi ở cũ, tuy nhiên với vị trí đắc địa của khu TĐC nằm ở trung tâm xã, ông tin rằng sẽ khởi đầu cuộc sống mới với nhiều thuận lợi hơn so trước đây.  

Không riêng gì ông Nguyễn Hữu Hoàng, hầu hết các hộ dân thuộc diện phải di dời khỏi khu vực ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác thải Phú Hà khi tiếp xúc với chúng tôi đều tỏ rõ sự phấn khởi, hài lòng với mức giá đền bù mà họ được nhận cũng như cách tổ chức phân lô, bốc thăm minh bạch của các cấp, ngành huyện Kỳ Anh. 

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo huyện Kỳ Anh, có được sự đồng thuận cao như hôm nay là kết quả của một quá trình tiếp xúc, đối thoại, chung tay gỡ khó của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2016, Công ty TNHH Môi trường Phú Hà tổ chức khánh thành, vận hành nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Kỳ Tân. Quá trình vận hành của nhà máy đã bộc lộ những bất cập, tác động xấu đến đời sống của người dân khu vực lân cận. Vì vậy người dân đã có những phản ứng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước tình hình đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Phạm Văn Dũng, song song với việc đề xuất UBND tỉnh thực hiện chủ trương di dời các hộ dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của nhà máy, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động gặp gỡ, đối thoại với bà con để chia sẻ những khó khăn thực tế và những tác động mà người dân đang đối diện; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về chủ trương và những giải pháp của chính quyền các cấp, của nhà máy về xử lý môi trường, tái định cư.

Đồng thời, yêu cầu nhà máy xử lý rác thải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình xử lý chất thải, giảm đến mức thấp nhất tác động đến cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng.

Với cách làm đó, đến thời điểm hiện nay, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đã chi trả cho 49/53 hộ bị ảnh hưởng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 41/45 hộ tái định cư.

Theo ông Phan Văn Lý, Bí thư Chi bộ Nam Xuân Sơn (Kỳ Tân), mặc dù có những thời điểm, việc giải quyết những vấn đề phát sinh còn lúng túng. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là những kiến nghị chính đáng của người dân đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và rốt ráo thực hiện. Thông qua những cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu các cấp với người dân, những vướng mắc, bất đồng đã dần được tháo gỡ, không để phát sinh thành điểm nóng kéo dài.

Với phương châm không chỉ lắng nghe mà cần hành động, thời gian qua, các cấp ủy chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã tăng cường đối thoại với nhân dân, tìm giải pháp giải quyết vấn đề bức xúc, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đời sống; đồng thờ, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Thạch Hải (Thạch Hà) Bùi Đình Lâm, trong suốt thời gian dài, các xã nằm trong vùng ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê trở thành “vùng trũng” trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Do chưa có quyết định cuối cùng về việc dừng hay tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê nên các địa phương này không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không được thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội… khiến đời sống của người dân trở nên khó khăn.

Trước tình hình đó, tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, người đứng đầu các cấp đã đồng cảm, chia sẻ những khó khăn mà người dân đang gặp phải. Từ đó đưa bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng để đưa ra những quyết sách hợp lý như: triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu, cấp đất cho các hộ có nhu cầu bức thiết về nhà ở…

Vì vậy, đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện. Tại xã Thạch Hải, nếu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 25 %, đến nay chỉ còn 5%, thu nhập đầu người từ 13 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 37 triệu đồng/người/năm.

Sau hơn bốn năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, từ chỗ mỗi xã chỉ đạt vài ba tiêu chí, đến nay tất cả sáu xã nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, Trần Nhật Tân thông tin, thực hiện quy chế tiếp công dân và đối thoại giữa người đứng đầu các cấp với nhân dân, nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Thạch Hà đã tiếp 2.076 lượt công dân tại các phiên tiếp công dân thường kỳ và đột xuất. Thông qua công tác tiếp công dân đã tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn trên tinh thần công tâm, khách quan, không để công dân khiếu nại vượt cấp, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất ổn định về an ninh, trật tự…

Chọn việc khó, việc nổi cộm để giải quyết -0
 Quang cảnh một buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp đối thoại với công dân, xử lý các kiến nghị, đề xuất.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh, những năm qua, nhiều chương trình, dự án trọng điểm trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa bàn đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuy vậy, quá trình triển khai các dự án cũng làm nảy sinh các mâu thuẫn liên quan đất đai, tái định cư, chính sách xã hội; cùng đó là tác động của sự cố môi trường biển đã kéo theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, thậm chí nhiều vụ việc đông người, phức tạp kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý các kiến nghị, phản ánh của nhân dân là rất quan trọng để bảo đảm ổn định tình hình và đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh quan tâm, thực hiện, đặc biệt là sau khi có Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.  

Riêng cấp tỉnh, tính đến tháng 9-2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức 18 phiên tiếp dân; trong đó, có ba phiên tiếp dân chuyên đề và 15 phiên tiếp dân định kỳ.

Thông qua các cuộc tiếp dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo giải quyết, trả lời công dân gần 50 vụ việc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành và cấp huyện, trong có những vụ việc kéo dài từ năm 2013 đến nay.

“Kinh nghiệm cho thấy, khi người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh gương mẫu tiếp dân thì dứt khoát người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, cấp xã phải thực hiện nghiêm túc. Tiếp dân là trách nhiệm của Đảng với nhân dân, buộc phải làm và làm thường xuyên để lắng nghe, giải quyết theo thẩm quyền”, đồng chí Trần Báu Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết thêm.

Theo phản ánh của các hộ dân và qua theo dõi kết quả giải quyết đơn thư, kiến nghị tại Hà Tĩnh, thấy rằng, không phải bất cứ kiến nghị, đề xuất nào của người dân cũng được giải quyết mau chóng theo nguyện vọng của người dân bởi trên thực tế, có những vấn đề, kiến nghị của người dân là kết quả của những tồn động do lịch sử hay những thay đổi trong cơ chế, chính sách để lại.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có thời gian nghiên cứu, thậm chí có những vấn đề phải xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư để tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý. Do đó, khó tránh khỏi việc cần thêm thời gian để giải quyết dứt điểm những vụ việc cụ thể.

Với những kinh nghiệm trong quá trình triển khai giải quyết những việc khó, vấn đề nổi cộm ở Hà Tĩnh thời gian qua, có thể thấy rằng bài học dựa vào dân, gần dân, lắng nghe nhân dân để chăm lo, giải quyết những lợi ích thiết thực cho nhân dân chính là những cách thức giải quyết hiệu quả, góp phần xây dựng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 và nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.