Kinh nghiệm chiến tranh du kích trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân

Trên thế giới, hiếm có quốc gia, dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, phải chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát để giành và giữ độc lập, tự do. Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã viết nên bản trường ca huy hoàng của thế kỷ 20, lần lượt đánh thắng hai cường quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước; góp phần to lớn vào thắng lợi của phong trào cách mạng thế giới.

Trong chiến tranh, bản lĩnh và trí tuệ dân tộc được khẳng định, từ đó hình thành một nền nghệ thuật quân sự (NTQS) độc đáo - NTQS Việt Nam. Và một trong những nội dung cơ bản của NTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đó là, sự phát triển đỉnh cao của chiến tranh du kích - một hình thái cơ bản của chiến tranh nhân dân.

Chiến tranh du kích Việt Nam là một nội dung độc đáo, có một không hai trong NTQS thế giới. Ðó là sự tiếp thu kinh nghiệm chiến tranh du kích của nhiều nước, nhất là của Trung Quốc, Pháp, Liên Xô (cũ) và được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam - một quốc gia với bề dày của truyền thống quân sự và bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc anh hùng. Chiến tranh du kích của nhân dân Việt Nam được sự chỉ đạo của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính của Ðảng Cộng sản Việt Nam và tuân theo quy luật phát triển của chiến tranh nhân dân. Có thể nói, đây là cuộc đấu tranh toàn dân. Nội dung chính trị và khoa học phương thức tác chiến này có những đặc trưng vượt ra ngoài khái niệm ngôn từ quân sự thường dùng "chiến tranh du kích". Trên thực tế, nó đã là chiến tranh nhân dân địa phương ở cơ sở(1).

Thành công về chỉ đạo đấu tranh và chiến lược quân sự của Ðảng ta trong 30 năm kháng chiến là thành công của việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ, phối hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, làm cho cả hai phương pháp đấu tranh cơ bản này luôn kết hợp chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân, giữa quân sự và chính trị trong sức mạnh của toàn dân, của tác chiến du kích và tác chiến tập trung.

Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã phản ánh rõ: "Trong cuộc kháng chiến lâu dài, chiến tranh du kích phải tiến lên chiến tranh chính quy, chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy phải kết hợp chặt chẽ với nhau, thúc đẩy nhau phát triển. Ðó là quy luật giành thắng lợi của đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng nước ta, là một bí quyết để không ngừng mở rộng và nâng cao thế tiến công chiến lược của toàn bộ cuộc kháng chiến" (2).

Nghệ thuật lãnh đạo, tổ chức chiến tranh du kích của Ðảng ta được phát triển lên đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðiều này được khẳng định cụ thể trong Nghị quyết Ðại hội lần thứ IV của Ðảng: "kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng"(3). "Nhìn chung, chiến tranh du kích có nhiệm vụ thực hiện việc tiêu hao rộng rãi quân địch về chiến lược, giữ vững lực lượng của nhân dân và do đó làm suy sụp ngụy quân, ngụy quyền từ cơ sở, kìm chế giam giữ lực lượng của địch, buộc chúng ngày càng phải đi vào phân tán, bị động, làm giảm sút nghiêm trọng lực lượng cơ động của địch và sức tấn công của chúng... Chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phối hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, đều có tác dụng quyết định đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng"(4).

Thực tiễn lịch sử trong 30 năm chiến tranh cách mạng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và tiến hành chiến tranh du kích của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta trong 30 năm chiến tranh cách mạng đã khẳng định, nhờ có sự lãnh đạo của Ðảng mà trực tiếp là các chi bộ, tổ chức cơ sở Ðảng nên chiến tranh du kích luôn được duy trì và phát triển, kể cả trường hợp địch lùng sục, khủng bố ác liệt nhất. Khi chi bộ Ðảng không còn, chiến tranh du kích cũng lắng xuống. Do vậy, xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Ðảng vững mạnh là yếu tố tiên quyết để duy trì và phát triển chiến tranh du kích.

Thứ hai, cần phải đẩy mạnh phát triển dân quân tự vệ (DQTV). Bởi, DQTV cùng với bộ đội địa phương là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh du kích. Ngay trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ khốc liệt, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trả lời vấn đề mang tính thời đại sâu sắc: "Chúng ta nâng cao đề phòng và chuẩn bị chiến đấu như thế nào? Phải có sẵn cả hai quả đấm: quả đấm chính quy và quả đấm du kích. Rất rõ ràng là không ai đánh địch lại chỉ dùng có một tay, phải dùng cả hai tay mới tốt và mới thỏa... Dân quân chính là một lực lượng chiến lược, là một quả đấm trong hai quả đấm của chiến tranh nhân dân, dân quân cùng với bộ đội chủ lực và công an vũ trang là trụ cột của nền chuyên chính dân chủ nhân dân của chúng ta, là trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình"(5).

Thứ ba, đồng thời với đẩy mạnh phát triển lực lượng DQTV cần phải ra sức củng cố và nâng cao chất lượng chính trị, tư tưởng, tổ chức, biên chế, trang bị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật. Phải đẩy mạnh việc giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho dân quân, làm cho những sự việc và con người anh hùng không ngừng nảy nở trong phong trào chiến tranh du kích kháng chiến trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh hiện nay.

Thứ tư, phải tăng cường giáo dục nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự cho DQTV. Là lực lượng chủ yếu tiến hành chiến tranh du kích, công tác huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến của DQTV kết hợp chặt chẽ và hiệu quả với việc tăng cường giáo dục nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, mà còn có ý nghĩa lớn đối với quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân hiện tại và tương lai.

Thứ năm, coi trọng tổng kết kinh nghiệm. Việc này chẳng những có tác dụng phát triển chiến tranh du kích mà còn góp phần quan trọng làm phong phú thêm NTQS Việt Nam.

Kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, tiếp thu và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm tiến hành chiến tranh du kích của các nước trên thế giới, trong 30 năm tiến hành chiến tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp, "làm cho lực lượng địch bị phân tán, mệt mỏi, khiến cho quân chủ lực ta bất thần đánh tiêu diệt địch từng bộ phận"(6), tiến tới đánh bại hoàn toàn quân xâm lược. Bài học về phát động chiến tranh du kích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu vận dụng vào sự nghiệp củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(1) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG-ST, H, 2014, tr. 241.

(2) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr. 245.

(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 37, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 487-488.

(4) Võ Nguyên Giáp, Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Ðảng ta, Nxb Sự thật, H, 1970, tr. 355-356.

(5) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb QÐND, H, 1977, tr. 260, 262-263.

(6) Trường Chinh, Tuyển tập, tập 1, Nxb CTQG, H, 2007, tr. 443.