Khánh thành bia-đài tưởng niệm ngành giao bưu, vô tuyến điện Nam Bộ

NDO -

NDĐT – Lễ khánh thành diễn ra vào sáng 15-8, tại ấp 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Viễn thông Cà Mau (VNPT Cà Mau) chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2019) và ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam (15-8-1945 - 15-8-2019).

Cắt băng khánh thành Bia-Đài tưởng niệm ngành giao bưu, vô tuyến điện Nam Bộ.
Cắt băng khánh thành Bia-Đài tưởng niệm ngành giao bưu, vô tuyến điện Nam Bộ.

Thông tin tại lễ khánh thành, ông Lê Hoàng Phước, Giám đốc VNPT Cà Mau cho biết, hơn 70 năm về trước, bên dòng sông Trắc Băng hiền hòa nằm giữa đại ngàn rừng tràm U Minh, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục Miền Nam, xưởng vô tuyến điện đầu tiên của Nam Bộ được gấp rút thành lập. Từ căn cứ này, lực lựng giao liên và điện đài phục vụ đường dây thông tin liên lạc thông suốt với Xứ ủy, với Trung ương, cộng đồng quốc tế và lan toả khắp các chiến trường, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi sau cùng.

Thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và ghi lại dấu ấn lịch sử của ngành, năm 1996, Câu lạc bộ Kháng chiến và Tỉnh ủy Minh Hải (nay là Tỉnh ủy Cà Mau và Bạc Liêu) cùng với ngành Bưu điện Việt Nam cho xây dựng bia truyền thống Vô tuyến điện Nam Bộ và bia kỷ niệm Đài Phát thanh Nam Bộ trên phần đất của một hộ dân thuộc khu vực Kênh 6 (xã Tân Bằng). Ngày 28-10-2016, cụm quần thể di tích được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Nhận thấy khu di tích quá chật hẹp, thủ tục đất đai chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho việc trùng tu, tôn tạo cũng như tổ chức họp mặt sinh hoạt truyền thống..., sau nhiều cuộc họp thảo luận, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thống nhất chủ trương, giao cho VNPT Cà Mau tổ chức di dời bia truyền thống và xây dựng tượng đài Ngành Giao bưu-Vô tuyến điện Nam Bộ về điểm mới trong khuôn viên UBND xã Tân Bằng như ngày nay.

Khánh thành bia-đài tưởng niệm ngành giao bưu, vô tuyến điện Nam Bộ ảnh 1

Cụm công trình bia-đài tưởng niệm giao bưu, vô tuyến điện Nam Bộ được xây mới.

Việc di dời và xây dựng công trình nêu trên hoàn thành sau ba tháng thi công, tổng mức đầu tư là 2,5 tỷ đồng. Cùng với tượng đài và phù điêu to lớn, điểm nhấn nổi bật của công trình còn có bia nung đá men có in hình Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng cho Ngành Giao bưu liên lạc Nam Bộ (ngày 30-12-1949) và Huân chương độc lập Hạng Ba được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Ngành Vô tuyến điện toàn Nam Bộ ngày 18-12-1954.

Ôn lại truyền thống của ngành giao bưu, nay là bưu chính viễn thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: Trong những năm kháng chiến ác liệt, nơi đây không chỉ có cơ quan giao bưu và vô tuyến điện mà còn có Đài phát thanh tiếng nói Nam Bộ và Sở Y tế quân dân y Nam Bộ. Nếu không có tấm lòng sắt son, một lòng theo Đảng của các bà, các mẹ và nhân dân trong vùng, thì cụm các cơ quan Trung ương nêu trên khó lòng tồn tại vững chắc. Vì thế, công trình không chỉ thể hiện nghĩa cử cao đẹp đối với lịch sử cách mạng, sự quan tâm đến giáo dục mà còn là sự tri ân, lan tỏa truyền thống tốt đẹp của ngành bưu chính viễn thông qua các thời kỳ, góp phần tiếp lửa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Từ ý nghĩa nêu trên, ông Thân Đức Hưởng đề nghị các cấp các ngành có liên quan trong tỉnh, sau khi tiếp nhận khu di tích phải có phương án quản lý, gìn giữ và tôn tạo phù hợp, bảo đảm công trình bền vững, phát huy tốt những giá trị truyền thống cách mạng, phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền , giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Nhân dịp khánh thành, VNPT Cà Mau đã trao 160 phần quà cho gia đình chính sách và 500 suất khám bệnh và cấp thuốc cho nhân dân trên địa bàn huyện Thới Bình.

Khánh thành bia-đài tưởng niệm ngành giao bưu, vô tuyến điện Nam Bộ ảnh 2

VNPT Cà Mau trao các phần quà tượng trưng cho chính quyền huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Ngay sau buổi khánh thành, đã diễn ra buổi họp mặt truyền thống Bưu điện - Viễn thông các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ lần thứ XII. Hoạt động truyền thống nêu trên nhằm ôn lại quá khứ hào hùng cùng những cống hiến, đóng góp của các đồng chí, cán bộ Giao Bưu và Thông tin Vô tuyến điện đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Bưu điện – Viễn thông.