Khẳng định thương hiệu “Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia”

Những năm qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân; khẳng định thương hiệu, uy tín của bệnh viện tuyến cuối của toàn quân, “Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia”.

Ca phẫu thuật nội soi, cắt một phần hai đại tràng phải do các bác sĩ Viện Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) thực hiện.
Ca phẫu thuật nội soi, cắt một phần hai đại tràng phải do các bác sĩ Viện Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) thực hiện.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Trung tướng, PGS, TS Lê Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cho biết: Những năm qua, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện liên tục tăng. Năm 2015, số người bệnh đến khám bệnh lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 người, trong đó, người bệnh điều trị nội trú từ 1.700 đến 1.800 người. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, giữ vững tiêu chí của Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, tuyến cuối toàn quân; Đảng ủy bệnh viện đã có nghị quyết chuyên đề “Nâng cao toàn diện chất lượng chuyên môn và chất lượng chăm sóc phục vụ; mở rộng đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh; tăng cường tạo nguồn người bệnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của bệnh viện trong tình hình mới”.

Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, bệnh viện tập trung đẩy mạnh cải cách về TTHC, đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, trang, thiết bị; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đi đôi làm tốt công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bệnh viện từng bước xây dựng lộ trình triển khai thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về chất lượng bệnh viện, từ tiếp đón, chẩn đoán, điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh đến các điều kiện buồng bệnh, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn…

Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Thị Diệu Hồng, Chủ nhiệm Khoa khám bệnh cán bộ cao cấp, chia sẻ: Thời gian qua, bệnh viện đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, trang thiết bị cho các khoa chuyên môn, phòng bệnh lưu trú có vô tuyến, tủ lạnh, công trình phụ khép kín, bình nước nóng, lạnh; toàn bệnh viện không có tình trạng nằm ghép, nằm đôi.

Với tinh thần “tất cả vì người bệnh”, cán bộ, nhân viên của các Khoa phòng khám bệnh luôn nêu cao tinh thần phục vụ. Theo quy định, giờ làm việc từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút hằng ngày, nhưng các khoa, phòng khám bệnh đón tiếp người bệnh từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ trong ngày; khi có yêu cầu là cán bộ, nhân viên có mặt kịp thời. Đối với cán bộ là cấp tướng, các đồng chí lão thành cách mạng… khi đến khám bệnh có phòng tiếp đón riêng, bố trí nhân viên hướng dẫn riêng, nhanh chóng thuận tiện và được mời ăn bữa sáng (kinh phí do bệnh viện bảo đảm); khi có kết luận của bác sĩ, thuốc điều trị sẽ được gửi đến tận tay người bệnh...

Lấy người bệnh là trung tâm, nâng cao chất lượng chuyên môn

Với phương châm “Hướng tới người bệnh, lấy người bệnh là trung tâm”, Ban Giám đốc bệnh viện chỉ đạo các chuyên khoa xây dựng các bộ quy trình chẩn đoán và điều trị theo các tiêu chuẩn, khuyến cáo của quốc gia và quốc tế, chuẩn hóa việc chẩn đoán và điều trị người bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dược lâm sàng, theo đó Khoa Dược phối hợp các khoa chuyên môn tư vấn cho bác sĩ nâng cao chất lượng kê đơn thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh; khắc phục, ngăn chặn việc kê đơn thuốc sai hoặc kê đơn thuốc theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là đơn vị đi đầu trong toàn ngành y tế thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và sử dụng kháng sinh dự phòng cho các trường hợp phẫu thuật sạch và sạch nhiễm. Trung bình mỗi ngày bệnh viện thực hiện từ 100 đến 120 ca mổ, mỗi năm thực hiện khoảng 25.000 ca mổ, trong đó 70 đến 80% số ca mổ sử dụng kháng sinh dự phòng. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, cho biết: Trước đây, do người bệnh mổ chỉ sử dụng kháng sinh điều trị, nên sau mổ người bệnh phải dùng kháng sinh từ năm đến bảy ngày, trong khi tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ lại cao, tăng tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn, tăng thời gian và chi phí điều trị cho mỗi ca mổ. Hiện, do làm tốt công tác chuẩn bị trước mổ và kiểm soát nhiễm khuẩn tại phòng mổ và các khoa lâm sàng, người bệnh chỉ sử dụng một liều kháng sinh trước khi mổ, sau mổ người bệnh không dùng kháng sinh, và chỉ chuyển sang phác đồ kháng sinh điều trị khi xuất hiện triệu chứng nhiễm khuẩn sau mổ. Phương pháp mới này làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ, giảm tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh, rút ngắn thời gian điều trị từ bảy ngày xuống còn một đến hai ngày, giảm chi phí điều trị, không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà mỗi năm bệnh viện còn tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng tiền thuốc... Mặc dù là Bệnh viện đa khoa, nhưng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã tổ chức và duy trì nền nếp hoạt động của các Hội đồng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung thư theo hướng dẫn mới nhất của Ủy ban chống ung thư thế giới (UICC). Nhờ đó người bệnh ung thư được theo dõi và điều trị đa mô thức theo phác đồ chuẩn và hiện đại trên thế giới. Đây cũng là nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn của bệnh viện.

Việc mở rộng, đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh; khám bệnh ngày nghỉ, khám bệnh theo yêu cầu...; đẩy mạnh cải cách TTHC, áp dụng CNTT, sử dụng mạng máy tính nội bộ từ khâu đăng ký, điều hành việc khám, điều trị bệnh, quản lý hồ sơ người bệnh đến khâu thanh toán ra viện, bảo đảm nhanh, gọn, kịp thời đã được người bệnh, dư luận hoan nghênh. Nếu trước đây, người bệnh cần ra viện vào thứ bảy, Chủ nhật nhưng phải chờ đến thứ hai mới được làm thủ tục thanh toán ra viện; thì hiện nay, thanh toán ra viện được thực hiện ở tất cả các ngày trong tuần theo yêu cầu của người bệnh.

Có mặt tại Phòng khám theo yêu cầu (Khoa khám bệnh), ông Lê Đình Xương, 63 tuổi, quê ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), cùng vợ là bà Phạm Thị Tuyết, 62 tuổi, chia sẻ: “Vợ chồng tôi là cán bộ về hưu, đều có bảo hiểm y tế, được biết Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 có uy tín trong khám và điều trị, vợ chồng tôi quyết định đến đây khám, kiểm tra sức khỏe. Các y, bác sĩ và nhân viên trong Khoa phục vụ tận tình, chu đáo, xác định đúng bệnh, kê đơn thuốc kịp thời. Khám theo yêu cầu, tuy chi phí tăng hơn đôi chút, nhưng vợ chồng tôi rất yên tâm!”.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã tích cực tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân; tỷ lệ nhân dân khám và điều trị tại bệnh viện chiếm khoảng 30 đến 40%. Bệnh viện đã thực hiện tốt các Chương trình quân dân y kết hợp, không ngừng mở rộng liên kết tuyến và chuyển giao kỹ thuật, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực cho các tuyến y tế của nhiều tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên.... Mỗi năm, bệnh viện khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 3.000 đến 4.000 lượt người bệnh ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật nhân đạo như phẫu thuật phaco thay thủy tinh thể, thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt cho người bệnh.

Bằng nhiều nội dung, biện pháp thiết thực nêu trên, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã tạo những chuyển biến vững chắc trong công tác chuyên môn, nâng cao toàn diện chất lượng chăm sóc, phục vụ bộ đội và nhân dân, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ quân y - Bộ đội Cụ Hồ; góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 Anh hùng trong thời kỳ mới.