Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Tại đại hội, các đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết đề ra những định hướng phát triển cùng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của Thủ đô đến năm 2025, hướng tới tầm nhìn chiến lược trong 10 năm và dài hơn là 25 năm nữa. Ngay sau đại hội, các cấp, các ngành của thành phố bắt tay xây dựng kế hoạch, đề án để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh, thông minh, hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Trong ảnh: Diện mạo Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: DUY LINH
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh, thông minh, hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Trong ảnh: Diện mạo Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: DUY LINH

Rõ mục tiêu, cụ thể giải pháp

Cùng với quá trình chuẩn bị, xây dựng kỹ lưỡng, công phu, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 trình Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 đã bám sát dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là về tầm nhìn đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện... Tiếp thu tinh thần đó, trong Văn kiện Đại hội xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô với cả nước. Do đó, “gương mẫu” chính là yêu cầu đầu tiên đặt ra trong chủ đề đại hội.

Với tầm nhìn chiến lược, Đại hội Đảng bộ thành phố đã quyết nghị mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng trở thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đại hội đưa ra những con số cụ thể, có tính định lượng cao. Cụ thể là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, thu nhập bình quân (GRDP) đạt từ 8.300 đến 8.500 USD/người. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh, thông minh, hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết nêu rõ 20 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Trong đó, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cao, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm lớn của toàn Đảng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiêu biểu là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 7,5 đến 8%/năm; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 40%, nông thôn mới kiểu mẫu chiếm 20%... Để cụ thể hóa những mục tiêu này, đại hội đề ra năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và ba khâu đột phá quan trọng. Đó là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển Thủ đô.

Cùng với đó, trên cơ sở tám chương trình công tác khóa trước, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa 17 ngay trong quý I-2021. Trong đó có ba chương trình hoàn toàn mới nhằm tập trung phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng bộ thành phố với đích đến là xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, đời sống nhân dân được chăm lo tốt hơn.

Biến quyết tâm thành hành động

Được xác định là một trong những ngành “chủ công” trong giai đoạn tới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở sẽ sớm tham mưu xây dựng Chương trình công tác của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020 - 2025, tạo bứt phá về đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Thủ đô. Mục tiêu là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Đông-Nam Á trong một số lĩnh vực.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho rằng, các mục tiêu, chính sách về an sinh xã hội rất đúng và trúng, phù hợp với xu hướng phát triển. Cụ thể, đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 75 đến 80%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 55 đến 60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Trên cơ sở đó, ngành sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị chức năng tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội, gắn chính sách an sinh xã hội với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

Tinh thần quyết liệt, bắt tay ngay vào việc đã lan tỏa đến các địa phương của thành phố. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, cụ thể hóa quyết tâm của đại hội, cán bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, trở thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt khẳng định, quận đang tích cực huy động các nguồn lực, cách làm để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông khung trên địa bàn. Phát huy lợi thế về hạ tầng tổ chức các giải thể thao lớn và sự kiện quốc tế, quận đang tập trung rà soát quy hoạch quỹ đất để báo cáo thành phố điều chỉnh theo hướng hình thành hạ tầng, không gian thương mại, dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch ẩm thực tạo thành chuỗi liên kết để phát triển kinh tế.

Những việc làm này thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17. Trong đó, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố xây dựng kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. “Mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu tuyệt đối không thỏa mãn với thành tích đã đạt được, phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Sự đồng lòng thực hiện các mục tiêu của đại hội đảng bộ các cấp cùng các giải pháp cụ thể của các cấp ủy, chính quyền là những cơ sở quan trọng để Hà Nội từng bước biến quyết tâm thành hành động và hành động có hiệu quả để thành công, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.