Khai mạc phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 10-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Phiên họp thứ 48 của Ủy ban TVQH diễn ra ngay sau khi QH nước ta vừa tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41). Đây là một sự kiện chính trị ngoại giao đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2020, cũng là một trong những dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại của QH nhiệm kỳ khóa XIV. QH Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch AIPA 41 - nước chủ nhà, góp phần củng cố vững chắc và nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch QH cho biết, theo chương trình, Ủy ban TVQH dành thời gian sáu ngày rưỡi xem xét, cho ý kiến về năm dự án luật; cho ý kiến về thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, ba dự thảo nghị quyết, cùng nhiều báo cáo quan trọng khác. Trong đó, nghe báo cáo kết quả hai phiên giải trình quan trọng về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của QH và một số nội dung công việc khác.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Do khối lượng làm việc tại phiên họp này khá lớn, đòi hỏi các thành viên của Ủy ban TVQH cần tập trung cao độ phát huy tinh thần trí tuệ tập thể để có thể bảo đảm các nội dung đề ra. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu báo cáo nhanh kết quả của AIPA 41 đến các thành viên của Ủy ban TVQH.

Sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Tiếp đó, Ủy ban TVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung trình bày, nêu rõ: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo giảm từ 50,43% năm 2015 xuống còn 27,85% năm 2019, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,28%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 142/2016/QH13 của QH. Nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, đã bố trí kinh phí cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số là 37.320,498 tỷ đồng, chiếm 88,62% tổng nguồn lực ngân sách T.Ư.

Dự báo trong giai đoạn cuối năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, một số hộ gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói, tái nghèo, thậm chí thiếu đói, thiếu lương thực do mất nguồn thu nhập và mất việc làm, sinh kế. Công tác giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm người nghèo có thu nhập, ổn định cuộc sống; đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo 1 đến 1,5%/năm.

Đến hết năm 2020, Chính phủ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 3% (năm 2019 là 3,75%); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 26% (năm 2019 là 27,85%).

Đóng góp ý kiến vào báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Hà Ngọc Chiến và một số đại biểu đề nghị làm rõ thực trạng chưa thoát nghèo bền vững; có hay không việc cố ý đưa các hộ thoát nghèo về hộ cận nghèo, dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ cận nghèo cao bởi có những địa phương đạt chỉ tiêu giảm nghèo nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng đột biến. Đồng thời cần thực hiện dứt điểm đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế, bảo đảm thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng khẳng định, Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đủ điều kiện để trình ra QH kỳ tới. Ủy ban TVQH cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất một nghị quyết của QH ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030…