Khai mạc phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 13-7, tại nhà Quốc hội (QH), phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN)
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến về: Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức QH; ban hành nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến về: việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Ðào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán nhà nước; công tác nhân sự; việc tổng kết kỳ họp thứ chín và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ thứ 10 của QH; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban TVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa…

Buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được trình QH tại kỳ họp thứ chín và được các đại biểu QH thảo luận, cho ý kiến. Qua thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc và một số đại biểu cho rằng, luật này sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh về lao động. Ðề cập đến các trung tâm dịch vụ việc làm, đại biểu cho rằng quy định trong luật cần làm rõ mô hình trung tâm này là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp.

Một số ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong luật các quy trình về sơ tuyển lao động, chuẩn bị đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; tránh đào tạo nhiều nhưng số lượng đi thì ít. Các chương trình đào tạo khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan, chưa sát với khả năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, cần chỉnh lý quy định về chuẩn bị nguồn lao động của dự thảo luật theo hướng phân định rõ bước sơ tuyển, đào tạo bổ túc kỹ năng nghề nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nhưng hạn chế việc lạm dụng và tránh lãng phí xã hội không cần thiết. Cùng buổi sáng, Ủy ban TVQH biểu quyết 100% thông qua điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ chín, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị làm rõ hơn khái niệm thỏa thuận quốc tế nhằm phân biệt với điều ước quốc tế, tránh chồng lấn với Luật Ðiều ước quốc tế năm 2016. Tham dự phiên họp có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch nước.

Một trong những nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau là quy định về "bên ký kết Việt Nam". Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tình hình mới, dự thảo quy định ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ áp dụng đối với khu vực biên giới. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Hải đề nghị xem xét cả chủ thể ký kết là các thành phố trực thuộc tỉnh, vì thực tế lâu nay quan hệ hợp tác của một số thành phố này với các thành phố ở các nước khác rất tốt.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc ban hành nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, việc cho phép các tổ chức chính trị- xã hội cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan tư cách pháp lý của tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô: biên chế, tổ chức do phải thành lập bộ phận chuyên trách; việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho phát triển bảo hiểm vi mô như thế nào, xác định trách nhiệm của cấp trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong trường hợp tranh chấp dẫn đến khởi kiện ra sao… Hơn nữa, việc thí điểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm tài chính vi mô thời gian qua mới chỉ tiến hành trong phạm vi hẹp, vì vậy, việc mở rộng mô hình này đối với tất cả các tổ chức chính trị - xã hội cần phải xem xét một cách thận trọng, bảo đảm tính khả thi của mỗi tổ chức. Do đó, Ủy ban TVQH không tán thành việc ban hành nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.