Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Hôm qua 8-11 là ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV. QH sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Theo đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT và TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu QH về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu trong giờ giải lao tại phiên chất vấn. Ảnh: DUY LINH
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu trong giờ giải lao tại phiên chất vấn. Ảnh: DUY LINH

Trong phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình để làm rõ hơn những vấn đề liên quan. Chiều qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Ðể các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân (Phú Yên) và một số đại biểu khác về quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, chúng ta có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Các cơ quan chức năng nhận thấy cần phải sắp xếp lại theo hướng mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, mỗi đài phát thanh, truyền hình có những lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh toàn cảnh xã hội Việt Nam, đồng thời tiếp tục phát triển, chấn chỉnh hoạt động báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, ngay sau đó, Bộ TT và TT đã ban hành một kế hoạch gồm hai bước. Theo đó, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của hội nghề nghiệp, với khoảng 40 hội. Năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương…

Với câu hỏi của một số đại biểu QH về tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử, Bộ trưởng TT và TT khẳng định, đây là hoạt động sai Luật Báo chí. Ðồng thời cho biết: Hiện nay, chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí, báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Luật cũng quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và có tính định kỳ. Nhưng thực tế, có tình trạng một số tạp chí xa rời, vượt quá tôn chỉ, mục đích cũng như các quy định về tạp chí… Bộ TT và TT đã cùng Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất đưa ra những giải pháp. Về nội dung này, có đại biểu tranh luận và cho rằng: Nguyên nhân chính là các tạp chí lúng túng trong hoạt động và không rõ ràng mục tiêu, bởi vừa hoạt động báo chí vừa hoạt động kinh tế, đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để giải quyết tình trạng nêu trên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ sẽ tập trung quản lý để hạn chế thực trạng các đại biểu QH nêu. Ðây là trăn trở rất lớn của Bộ và cũng là trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc vừa bảo đảm điều kiện hoạt động, vừa để phóng viên có thể sống bằng nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, có nguồn kinh phí để đặt hàng.

Liên quan bảo vệ thông tin cá nhân trên báo chí, có đại biểu đặt vấn đề: Liệu có cần Luật Quản lý thông tin đời tư, bí mật cá nhân hay không? Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Chuyện khai thác chi tiết đời tư cá nhân còn liên quan đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo. Bộ TT và TT đã phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh, trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

Xử lý quyết liệt tin giả, tin xấu, độc

Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về tình trạng hiện nay người dùng mạng xã hội có thể tạo ra một cơ quan truyền thông, đồng thời có nhiều trang mạng xấu, độc nhưng thu hút một lượng người xem lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội, vậy giải pháp nào để xử lý và không bị động, không chạy theo giải quyết hậu quả? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đối mặt với thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội. Giải pháp trước hết là hành lang pháp lý. Ở một số quốc gia, có thể phạt đến hàng triệu USD và phạt tù giam. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an cùng Bộ TT và TT phối hợp chặt chẽ để sớm có một quy định pháp luật xử lý vấn đề tin giả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, nước ta gặp vấn đề tin giả, tin sai sự thật chủ yếu trên các mạng xã hội nước ngoài. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là các trang mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Chúng ta yêu cầu tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, cho nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên. Trên cơ sở đó, các trang mạng xã hội phải có công cụ tự động để xóa bỏ những tin xấu độc, đã được xác định, hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc. Ngoài ra, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Ðào tạo để đưa giáo dục kỹ năng số vào trường học, qua đó rèn luyện kỹ năng ứng xử, phải phân biệt được đúng, sai cho học sinh.

Một số đại biểu QH chất vấn, thời gian gần đây, nhất là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, có dấu hiệu tin nhắn rác lại xuất hiện nhiều, không ít vi-đê-ô clíp, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật An ninh mạng chúng ta đã giải quyết những vấn đề trên không gian mạng vì chúng ta đã có những cơ sở pháp lý khác. Khi Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực việc xử lý này mạnh mẽ hơn, mặc dù hiện nay còn sáu điều khoản của Luật An ninh mạng phải được cụ thể hóa và đang được Bộ xử lý…

Trong phiên chất vấn ngày hôm qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số giải pháp đối với việc quảng cáo trên môi trường mạng in-tơ-nét, cụ thể: đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, yêu cầu gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, các nội dung vi phạm pháp luật; có văn bản cảnh báo các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo bị gắn trên vi-đê-ô xấu độc trên Youtube; cảnh báo, nhắc nhở các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước thận trọng trong hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới để bán quảng cáo; tăng cường công tác phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng trong nước có hành vi vi phạm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Công an để có giải pháp kinh tế, kỹ thuật xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong chiều qua, cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã phát biểu ý kiến giải trình và làm rõ thêm những vấn đề về an ninh mạng, tội phạm mới trên mạng và dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin và trả lời về xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với công nghệ thông tin.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên chất vấn đối với Bộ trưởng TT và TT, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Các đại biểu QH đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm và có tính xây dựng, thực tiễn cao. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng là người có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm cũng như có những giải pháp tương đối cụ thể.

Chủ tịch QH nhấn mạnh: Những vấn đề thuộc lĩnh vực TT và TT có tính chất đặc thù, gắn với cuộc sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đang có nhiều bất cập trong thực tiễn. Có những vấn đề đã được nêu lên trong các kỳ họp trước nhưng trong triển khai thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, cho nên có nhiều đại biểu chất vấn, tranh luận. Ðề nghị Chính phủ, bộ trưởng, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu QH, triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, cần tập trung các nội dung sau: Tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Báo chí, kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc "báo hóa" tạp chí; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của tổng biên tập trong quản lý hoạt động báo chí, bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích của báo chí, nhất là bảo đảm tính chính xác thông tin; tăng cường bồi dưỡng đạo đức, kỹ năng người làm báo, xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục có biện pháp hữu hiệu quản lý tốt thông tin trên mạng xã hội, phát huy mặt tốt, hạn chế mặt xấu của mạng xã hội; chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng trong việc xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, thông tin mạo danh, tin giả…

Vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội

Sau khi bốn bộ trưởng hoàn thành trả lời chất vấn, chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu QH. Trước khi trực tiếp trả lời, Thủ tướng đã trình bày trước QH Báo cáo làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu QH quan tâm. (Toàn văn báo cáo đăng số báo hôm nay).

Trong phiên chất vấn chiều qua, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến các giải pháp của Chính phủ đối với khu vực kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã doanh nghiệp nhỏ và vừa trước bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong hội nhập, điều quan trọng là phải có trong tay những công cụ phòng vệ thương mại cần thiết, phù hợp với lộ trình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người dân cần phải học cách "tự đứng trên đôi chân mình", bởi bảo hộ bao cấp là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là với các hiệp định thương mại tự do. Trả lời câu hỏi về tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ðảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước. Do đó, Chính phủ không phân biệt kinh tế tư nhân - kinh tế nhà nước, coi đây là những thành phần hoàn toàn bình đẳng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay; đồng thời hoan nghênh, tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thủ tướng cũng thừa nhận tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật hiện hành mà đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) và một số đại biểu khác nêu, đồng thời lưu ý các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần nhanh chóng phát hiện, từng bước xử lý, tiến tới giải quyết triệt để, không để những vướng mắc về pháp luật cản trở quá trình phát triển của đất nước.

Ðối với ý kiến về dự án nhà máy điện khí mà các đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác nêu, Thủ tướng cho biết, đã triển khai họp với các cấp, các ngành, từ đó đề ra phương án giải quyết: chuyển đổi quy hoạch xây dựng nhà máy điện than tại Bạc Liêu thành nhà máy điện khí, bổ sung vào sơ đồ Quy hoạch điện VII. Ðây cũng là bước đi nhằm bảo đảm nguồn cung ứng điện hiệu quả hơn nhiều nếu so với triển khai nhà máy điện than, bảo đảm lợi ích quốc gia và dân tộc. Chỉ ra nghịch lý là người dân Việt Nam đang được dùng điện giá rẻ, nhưng tổng sản lượng điện của cả nước đến nay mới chỉ đạt 39 nghìn MW, Thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngành điện cần phát triển mạnh hơn nữa các nguồn cung cấp điện, nhất là ở phía nam. Về vấn đề phát triển điện lưới quốc gia ở các vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng dẫn thống kê về gần 99% số xã, 98% số thôn trên cả nước đã có điện từ điện lưới quốc gia, cho biết: thời gian tới đây, Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển lưới điện đến các bản làng xa xôi, những vùng khó khăn gắn với các yếu tố hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, bền vững.

Trong phiên giải trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm rõ một số vấn đề chung quanh những thuận lợi, thời cơ của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhấn mạnh đây là cơ hội hiếm có trong hoạt động đối ngoại, cần tận dụng để đưa đất nước phát triển lên vị thế mới trên trường quốc tế, Thủ tướng cho rằng, trước mắt Việt Nam cần thực hiện tốt ba mục tiêu: tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối, lấy ASEAN làm trung tâm; đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư thông qua các hiệp định thương mại tự do; đặc biệt, cùng các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hòa bình, thống nhất để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Ðông của Việt Nam. Trả lời các ý kiến của đại biểu QH nêu về khía cạnh phát triển du lịch gắn với hội nhập sâu rộng, Thủ tướng dẫn số liệu thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón tổng cộng 18 triệu lượt khách quốc tế. Ðây là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè bốn phương; tạo thêm việc làm, giải quyết lao động trong nước. Vì vậy, các trung tâm kinh tế, thành phố lớn của nước ta cần chú trọng công tác phát triển du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đẩy mạnh hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh...

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp QH lần này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có gần 250 lượt đại biểu QH tham gia chất vấn, tranh luận, qua đó phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề; nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cũng như trách nhiệm của Chính phủ trước cử tri. Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, góp phần làm rõ nhiều vấn đề mà các đại biểu QH nêu; thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt bất cập, hạn chế của ngành, lĩnh vực phụ trách; đưa ra các cam kết khắc phục, tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị dự thảo Nghị quyết chất vấn để trình QH xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện, giúp Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, nhất là những điều đã cam kết trước QH.

Người Việt Nam thực hiện và phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin về an ninh mạng rất tốt. Trong 100 người được vinh danh toàn cầu năm 2018 về chuyên gia an ninh mạng thì có bốn người Việt Nam (hai người đang ở Việt Nam và hai người ở nước ngoài). Chúng ta hiện có gần 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Có những sản phẩm chiếm 85% thị trường trong nước; có những doanh nghiệp Việt Nam bán được sản phẩm bảo vệ an toàn thông tin ra nước ngoài. Đây là những điều kiện thuận lợi của chúng ta trong phát triển lĩnh vực an ninh mạng.

Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Tình trạng kẻ xấu phát tán hình ảnh, sản phẩm, bài viết xuyên tạc, nói xấu, bịa đặt, kích động bạo lực, lôi kéo người nhẹ dạ cả tin… đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, gây hoang mang, khiến người dân không thể phân biệt thật giả, đúng sai. Vấn đề này diễn ra trong thời gian dài mà nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập nhưng đến nay chưa khắc phục được.

Đại biểu Phạm Văn Hòa
(Đồng Tháp)

Sim điện thoại đăng ký tên giả được kích hoạt trước đây vẫn tồn tại và đang gây nhiễu loạn đời sống xã hội, là công cụ để kẻ xấu lợi dụng tung tin giả, xuyên tạc sự thật, ném đá giấu tay, thậm chí đe dọa tống tiền, xâm hại lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức. Cần xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời việc mua bán sim rác trôi nổi như vậy.

Đại biểu Trương Anh Tuấn
(Nam Định)