Ðiểm nhấn trong hoạt động giám sát của Quốc hội

Ðối với hoạt động giám sát (HÐGS), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và HÐND năm 2015 là nền tảng pháp lý cơ bản, có ý nghĩa quan trọng đến hiệu lực, hiệu quả của HÐGS.

Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện và có những điểm mới quan trọng về HÐGS trong luật hiện hành đã góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng để QH thực hiện tốt hơn thẩm quyền giám sát tối cao của mình.

Một trong những HÐGS quan trọng của QH và các cơ quan của QH cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đó là, giám sát cả trước và sau khi văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; qua đó góp phần bảo đảm các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời, phù hợp Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH; phát hiện những nội dung sai trái của văn bản để kịp thời điều chỉnh việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật. Ðồng thời, phát hiện những văn bản chưa rõ ràng, được hiểu và áp dụng không thống nhất, làm cơ sở cho việc bãi bỏ, đình chỉ hoặc kiến nghị bãi bỏ, đình chỉ văn bản hoặc làm căn cứ cho hoạt động giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Ðể triển khai nội dung này, với vị trí là cơ quan thường trực của QH, ngày 26-3-2020, Ủy ban Thường vụ QH ban hành Kế hoạch số 519/KH-UBTVQH14 về việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ QH ban hành kế hoạch, các ủy ban của QH xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Các ủy ban đã tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật đã được QH ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến hết kỳ họp thứ tám. Ðồng thời, một số ủy ban có báo cáo việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc lĩnh vực phụ trách theo yêu cầu. Tại phiên họp thứ 48 (tháng 9-2020), lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ QH nghe báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của các ủy ban của QH về nội dung này. Qua giám sát cho thấy, HÐGS văn bản được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH và HÐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan của QH chủ động đưa vào Chương trình công tác HÐGS văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.

Một số ủy ban coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tiến hành theo kỳ giám sát hoặc định kỳ hằng năm và ban hành hướng dẫn để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua HÐGS chuyên đề, thẩm tra báo cáo, tổ chức hoạt động giải trình, các ủy ban đã kết hợp giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh trong lĩnh vực được giám sát; không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất, phù hợp nội dung được luật giao; tình trạng nội dung văn bản quy định chung chung mang tính nguyên tắc đã giảm đáng kể. Các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với luật có nhiều chuyển biến tích cực; việc ban hành một văn bản để quy định nhiều nội dung được giao là điểm mới trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; phần lớn các văn bản quy định chi tiết bảo đảm phù hợp các quy định của luật; ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, chất lượng của nhiều văn bản được nâng cao.

Một số bất cập, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan chỉ ra và có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục những bất cập, hạn chế. HÐGS ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số ủy ban chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu là kết hợp với HÐGS chuyên đề, thẩm tra báo cáo, tổ chức hoạt động giải trình; chưa có quy định bắt buộc phải báo cáo định kỳ, nên một số cơ quan của QH chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động này. Một số ủy ban chưa chủ động kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ QH. Công tác giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành còn hạn chế, nhất là văn bản dưới nghị định.

Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là cán bộ, công chức có kinh nghiệm, trình độ, năng lực chuyên môn sâu; việc bố trí thời gian và nhân sự theo dõi công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Số lượng nội dung luật giao quy định chi tiết nhiều, nhất là công tác rà soát, thống kê văn bản. Số lượng văn bản quy định chi tiết thuộc phạm vi giám sát được các cơ quan ban hành gửi đến các cơ quan của QH chưa đầy đủ, kịp thời. Báo cáo của các cơ quan về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chậm so với yêu cầu; chưa đo lường được hậu quả của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Cùng với quá trình đổi mới trong hoạt động của QH nói chung, HÐGS của QH nói riêng tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Thông qua giám sát, kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Ðiều đó có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự kỷ cương đất nước.

TS Nguyễn Ngọc Sơn

Vụ trưởng Phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội