Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang:

Huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 15, tỉnh đã huy động các nguồn lực như thế nào để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ

Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng: Tuyên Quang là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, từng vùng độc lập, do vậy việc đi lại chủ yếu của nhân dân bằng đường bộ. Tỉnh đã huy động các nguồn lực để mở mới, cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh. Kết quả nổi bật là, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh hiện có 10.435km, trong đó: quốc lộ có năm tuyến dài 469km; đường tỉnh sáu tuyến dài 372 km, còn lại là giao thông nông thôn dài 8.400km. Trong giai đoạn 2010-2015, Tuyên Quang đã hoàn thiện điều chỉnh bổ sung và lập các quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, Tuyên Quang đã cơ bản hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp như Long Bình An, Sơn Nam, An Thịnh; thu hút 23 dự án vào các khu công nghiệp này, trong đó có các dự án lớn như Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa; các nhà máy gang thép, nhà máy đường, chế biến chè, đũa, các nhà máy dệt may xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng...Tỉnh đã hình thành năm vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả phục vụ công nghiệp chế biến như vùng cây lâm nghiệp, vùng chè, mía, cam, lạc.

PV: Thưa đồng chí, để tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong thời gian tới, Tuyên Quang chú trọng các giải pháp nào?

Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng: Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục triển khai để kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên Tuyên Quang vào năm 2018; xúc tiến đầu tư xây dựng cầu Tình Húc, cầu Bình Ca vượt sông Lô và hai tuyến đường dọc hai bờ sông Lô để đầu tư phát triển thành phố Tuyên Quang lên đô thị loại 2 vào năm 2018.

Theo đó, Tuyên Quang chú trọng công tác quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông; bổ sung điều chỉnh quy hoạch bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư tại địa phương, kết hợp tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ các nguồn vốn của Trung ương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ tái định cư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi chuyển giao quyền sử dụng đất để xây dựng kết cấu hạ tầng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Hoàng Sơn (Thực hiện)