Hơn 8.000 ha đất và rừng phòng hộ ven biển ở Cà Mau bị “xóa sổ”

NDO -

NDĐT - Tiếp tục chuyến công tác tại Cà Mau, ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, chiều 19-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra một số công trình trọng điểm đang trong giai đoạn hoàn thành tại Công viên văn hoá Mũi Cà Mau, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra sạt lở trên địa bàn huyện Ngọc hiển, tỉnh Cà Mau.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra sạt lở trên địa bàn huyện Ngọc hiển, tỉnh Cà Mau.

Cặp bờ kè Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau, đồng chí Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến thị sát công trình Tượng Mẹ, Đền thờ Lạc Long Quân; công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội tặng. Đây là những công trình quan trọng tạo điểm nhấn cho Cà Mau trong “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019”, sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới đây.

Trên địa bàn xã Đất Mũi, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến khảo sát một số điểm sạt lở đặc biệt xung yếu, đã và đang phương hại đến đời sống, sinh hoạt của cư dân ven biển nằm cuối cùng cực nam Tổ quốc.

Hơn 8.000 ha đất và rừng phòng hộ ven biển ở Cà Mau bị “xóa sổ” ảnh 1

Sạt lở cuốn mất rừng phòng hộ, đe doạ phá vỡ đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Trước đó vào sáng cùng ngày, báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tác động bất lợi của thiên nhiên đã và đang gây nên tình trạng sụp lún, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê từ năm 2007 đến nay, vùng ven biển của tỉnh đã bị mất khoảng 8.870 ha đất và rừng phòng hộ vì sạt lở, nguy cơ cao gây vỡ đê biển Tây, buộc tỉnh phải nhiều năm liền ban bố tình huống xử lý khẩn cấp. Sạt lở còn phá hủy nhiều công trình hạ tầng ven sông, ven biển, phương hại đến đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là cư dân ven biển. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc ứng phó với sạt lở hiện rất nan giải, bởi điều kiện nguồn lực của Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng còn hạn hẹp.

Từ thực tế nêu trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ xem xét cho tỉnh được áp dụng cơ chế ngân sách T.Ư cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (theo quy định của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP). Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, những dự án nêu trên không trực tiếp sinh lời nhưng phục vụ dân sinh, bảo vệ đất đai cho quốc gia.

Trong điều kiện khó khăn về vốn, để huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi ven biển, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế giao đất rừng phía trong (để đầu tư các dự án kinh tế) sau khi doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ biển.

Trong giai đoạn 2016 – 2020 và lộ trình đến năm 2025, tỉnh Cà Mau sẽ di dời gần 4.800 hộ dân ở nơi có nguy cơ thiên tai cao vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới nhằm bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản và từng bước ổn định đời sống cho người dân. Để thực hiện được việc trên, trước mắt, tỉnh xin Trung ương quan tâm, hỗ trợ hơn 622 tỷ đồng để triển khai thực hiện 12 Dự án di dân khẩn cấp. Ngoài ra, Cà Mau còn xin hỗ trợ khẩn cấp 124,5 tỷ đồng để bảo vệ tuyến đê biển Tây, đồng thời xin bố trí 524 tỷ đồng tiếp tục triển khai thực hiện dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau còn đang dở dang, đoạn từ miền biển Sông Đốc đến thị trấn Cái Đôi Vàm, tổng chiều dài hơn 23.520m. Cà Mau cho biết, dự án nâng cấp đê này nằm trong chương trình 667 về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, giai đoạn còn lại của dự án (đoạn từ Sông Đốc đến thị trấn Cái Đôi Vàm) vẫn chưa được phân khai vốn.