Hơn 4,3 triệu lượt dự thi tìm hiểu lịch sử ngành Tuyên giáo sau 10 tuần

NDO -

NDĐT - Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” sau 10 tuần thi đã thu hút hơn 4,3 triệu lượt thi từ hơn 700 nghìn tài khoản tham gia thi trên mạng VCNet; có 122 cá nhân ở 35 tỉnh, thành phố đoạt giải.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Ngày 4-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả sau 10 tuần thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng VCNET. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi và đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đồng chủ trì hội nghị.

Thu hút hơn 4,3 triệu lượt dự thi sau 10 tuần thi

Theo báo cáo sơ kết sau 10 tuần thi, đã có 704.000 tài khoản tham gia thi với 4.313.198 lượt thi, trong đó có hơn 2,2 triệu lượt thi trả lời đúng cả 10 câu hỏi; có 11.863 người đã tham gia ở cả 10 tuần thi, trong đó có 219 người trả lời đúng tất cả 100 câu hỏi mà Ban Tổ chức đưa ra.

Đáng chú ý, sau 10 tuần diễn ra Cuộc thi, số tài khoản đăng ký và sử dụng mạng VCNet tăng mạnh, tới nay đạt con số 1,3 triệu tài khoản, trong đó có rất nhiều tài khoản hoạt động rất tích cực, đặc biệt vào mỗi thứ 2 hằng tuần khi Ban Tổ chức công bố kết quả cuộc thi và bộ đề thi tuần mới. Các tài khoản tương tác, trao đổi nhiều về các câu hỏi thi, về tài liệu tham khảo của cuộc thi để có đáp án đúng nhất.

Sau 10 tuần thi, đã có 122 cá nhân ở 35 tỉnh, thành phố đoạt giải. Các tỉnh, thành phố có nhiều người đoạt giải gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Hà Giang, Thanh Hóa, Thái Bình, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh… trong đó, Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều giải nhất với 41 giải, tiếp theo là Nghệ An với 24 giải. Sau 10 tuần thi, có hai cá nhân đoạt nhiều giải thưởng nhất là Võ Thị Hương ở Nghệ An với hai giải Nhất, 01 giải Khuyến khích và Phan Khắc Bách ở Hà Tĩnh với 05 giải Ba và 01 giải Khuyến khích.

Về độ tuổi người dự thi dưới 18 tuổi chiếm 36%, từ 18 đến 30 tuổi chiếm 26%, từ 31 đến 55 tuổi chiếm 37% và trên 55 tuổi chiếm 1%. Điều đó cho thấy Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu và tham gia dự thi của mọi lứa tuổi và tầng lớp nhân dân, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với Đảng, muốn được tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định, với cách thức thi đơn giản, phù hợp, tiết kiệm, cho phép người thi thực hiện trên điện thoại smartphone, máy tính bảng tạo thuận lợi cho người dự thi tham gia thi. Các câu hỏi hay, bám sát các sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành Tuyên giáo, làm nổi bật vai trò của ngành Tuyên giáo và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, khơi gợi đam mê tham gia tìm hiểu về lịch sử ngành Tuyên giáo của người dự thi. Song song với việc ra câu hỏi, Tiểu ban Nội dung đã cung cấp nhiều tài liệu ngắn gọn, sát hợp với các câu hỏi với hàm lượng thông tin cao giúp người dự thi vừa có đáp án cho câu hỏi, vừa bổ sung kiến thức trong lĩnh vực lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và ngành Tuyên giáo.

Hơn 4,3 triệu lượt dự thi tìm hiểu lịch sử ngành Tuyên giáo sau 10 tuần ảnh 1

Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Trần Doãn Tiến phát biểu tại hội nghị.

Cuộc thi đã góp phần góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng; trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi cũng là dịp để nâng cao hiểu biết, nhận thức và niềm tự hào về truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyên giáo của Đảng ta và tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Đợt sinh hoạt chính trị tạo sự gắn kết, đồng thuận xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” cho biết, trong năm 2020, đất nước ta có nhiều sự kiện lớn, kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020); 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và cũng là năm có nhiều ngành của Đảng kỷ niệm 90 năm, như các ngành: Tuyên giáo, Tổ chức, Dân vận. Vì vậy, Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền các hoạt động Tuyên giáo của Đảng mà thực chất còn là tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Hơn 4,3 triệu lượt dự thi tìm hiểu lịch sử ngành Tuyên giáo sau 10 tuần ảnh 2

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh Cuộc thi không chỉ dành riêng cho cán bộ, đảng viên mà còn hướng tới các tầng lớp nhân dân để lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân những tư tưởng, nội dung, truyền thống của của Đảng Cộng sản Việt Nam, để người dân hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó tạo sự gắn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Để cuộc thi lan tỏa hơn nữa, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ nhằm thu hút nhiều người dân tham gia hơn.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng lưu ý, trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, nội dung quan trọng nhưng phương tiện và phương thức truyền tải nội dung cũng rất quan trọng, do đó trong quá trình triển khai thực hiện cần phải kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nội dung phải hấp dẫn, thiết thực, mang tính phổ thông.