Hoạt động đối ngoại

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cam-pu-chia, ngày 12-12, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã hội đàm với Phó Thủ tướng Cam-pu-chia Men Xom On.

Tại hội đàm, hai Phó Thủ tướng nhấn mạnh truyền thống đoàn kết, hữu nghị, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau được xây đắp bằng công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, vượt qua mọi thử thách và trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy. Phía Cam-pu-chia khẳng định không bao giờ quên sự giúp đỡ, hỗ trợ chí tình, hiệu quả mà Việt Nam dành cho Cam-pu-chia trong quá khứ và hiện tại, nhất là sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Hai bên nhất trí đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; duy trì trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp; tăng cường giao lưu đoàn thể, địa phương, tạo thêm sự gần gũi và gắn bó, cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.

Hai bên đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của việc ký kết hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng về biên giới, tiến tới xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; khẳng định tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, duy trì các cơ chế hợp tác, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, nhất là giao thương biên mậu; xem xét bổ sung hoặc ký kết các thỏa thuận, hiệp định phù hợp tình hình mới, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên; nỗ lực nâng kim ngạch thương mại hai chiều vượt năm tỷ USD trong năm 2020; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Hai bên khẳng định duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh, giữ vững nguyên tắc không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này gây phương hại đến an ninh, ổn định của nước kia; tăng cường phối hợp đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của thế lực xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc nhằm chống phá quan hệ hai nước. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề vướng mắc trên tinh thần tin cậy, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau; phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người gốc Việt tại Cam-pu-chia sinh sống ổn định, được bảo đảm địa vị pháp lý, tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của Cam-pu-chia, làm cầu nối hữu nghị cho quan hệ hai nước.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định lập trường của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, mong muốn Cam-pu-chia tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN. Hai bên nhất trí phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tổ chức các sự kiện và hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Cam-pu-chia tổ chức Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 13.

* Từ ngày 8 đến 12-12, đồng chí PHẠM MINH CHÍNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm làm việc tại Ai Cập. Đoàn đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Ai Cập; làm việc với Bộ trưởng Phát triển địa phương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ai Cập (ECP), Tổng Bí thư Đảng XHCN Ai Cập (ESP), Chủ tịch Đảng Liên minh Nhân dân XHCN Ai Cập (SPAP).

Tại các cuộc làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Ai Cập; chúc mừng về những thành tựu Ai Cập đạt được và cảm ơn Ai Cập với tư cách là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) đã tích cực ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đồng chí đề nghị, hai bên tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; Ai Cập tiếp tục ủng hộ Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với AU; hai bên sớm phối hợp nghiên cứu khả năng mở đường bay thẳng kết nối hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác hữu nghị giữa các địa phương, trước hết là giữa Hà Nội và Cai-rô…

Đồng chí đề nghị Ai Cập ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực, bảo đảm lợi ích của các nước trong quan hệ giao thương...

Các nhà lãnh đạo Ai Cập thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới; chúc mừng về những thành tựu xây dựng và phát triển của Việt Nam, mong muốn học hỏi Việt Nam về phát triển kinh tế thị trường; đánh giá cao lập trường của Việt Nam trong các vấn đề của cộng đồng A-rập, nhất là tiến trình hòa bình Trung Đông. Phía Ai Cập đề nghị, hai bên triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký; tăng cường hiệu quả hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ai Cập; mong muốn Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, thúc đẩy hợp tác giữa Ai Cập với các nước thành viên ASEAN; đề nghị tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, thành lập Hội đồng doanh nghiệp hai nước, xây dựng Đại học Việt Nam và Ai Cập. Về vấn đề Biển Đông, Ai Cập ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm, đồng chí Phạm Minh Chính và đoàn đã làm việc với Đại sứ quán Việt Nam, gặp đại diện cộng đồng người Việt tại Ai Cập.