Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 26-2, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Văn kiện Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư và đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị văn kiện Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương. Ðồng chí cũng lưu ý, với thế mạnh về phát triển công nghiệp, tỉnh cần tính toán giải pháp huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có tính liên vùng, kết nối hệ thống giao thông nhất là vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, đặc biệt phát triển vận tải thủy nội địa kết nối với các tuyến đường cao tốc và cảng biển. Tỉnh chú trọng xây dựng cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc, theo hướng ưu tiên các ngành lợi thế, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh chuyên môn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Quan tâm chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư mới, khuyến khích mở rộng sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực; thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao của khu vực và thế giới tới đầu tư, để hình thành khu công nghệ cao…

★ Sáng 26-2, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Ðức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, trong những thành tích của TP Hà Nội thời gian qua, có đóng góp rất lớn của MTTQ thành phố, các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Ðồng chí đề nghị, thời gian tới, MTTQ thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nắm chắc tâm tư nguyện vọng, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự nhất trí, đồng thuận từ cơ sở. Ðồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; lựa chọn những vấn đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giám sát, phản biện, đóng góp xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ðồng chí cũng lưu ý, trong quá trình giám sát cần tập trung phát hiện những vướng mắc để kiến nghị kịp thời các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Mặt trận phải là nơi để người dân gửi gắm niềm tin và phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu, góp phần làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

★ Ngày 26-2, tại Hà Nội, Ðồng chí Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị giao ban để đánh giá tình hình, kết quả công tác tháng 2-2020, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 3-2020 do Bộ Công an tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo với Bộ Công an tham mưu với Ðảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp về đối nội, đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai Kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế năm Chủ tịch ASEAN 2020, các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng. Ðồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công an về phòng, chống dịch; chủ động tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan.

★ Ngày 26-2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3).

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng (TKNL) đem lại nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, giảm đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2006 -2015, Chính phủ đã đề ra Chương trình VNEEP3, được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt, giảm lần lượt 3,4% và 5,65% tổng năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, lĩnh vực TKNL đang đứng trước một số khó khăn, trong đó mức tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành còn cao, nhất là ngành công nghiệp cao hơn 1,3 đến 1,6 lần các quốc gia trong khu vực. Thực tế hiện nay, tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương; nhận thức của cộng đồng còn hạn chế; nhiều DN, chủ hộ chưa ưu tiên thực hiện các biện pháp TKNL. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các khoản vay tín dụng thực hiện dự án TKNL cho các doanh nghiệp còn khó khăn; trách nhiệm quản lý nhà nước còn hạn chế; kinh phí dành cho hoạt động trong phạm vi VNEEP3 chưa khuyến khích được sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Công thương với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, đồng thời là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần hoàn thiện khung kế hoạch, hệ thống pháp lý, phối hợp các bộ, ngành, địa phương từng bước đẩy mạnh TKNL trong các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững.