Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 10-12, đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP Hồ Chí Minh cùng các đại biểu QH có buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè và quận 10.

Tại huyện Nhà Bè, phần lớn cử tri đều bức xúc về vấn đề nơi đang sinh sống bị quy hoạch “treo” nhiều năm; người dân không thể xây dựng hay sửa chữa nhà, chuyển nhượng bất động sản; bị thu hồi đất nhưng chậm trễ hoặc không được bồi thường, tái định cư… Tại quận 10, nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng về tình trạng tham nhũng, suy thoái đạo đức trong một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức hiện nay, mong muốn Đảng và Nhà nước xử lý quyết liệt và nghiêm khắc hơn nạn tham nhũng.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, thời gian tới, lãnh đạo huyện Nhà Bè phải quyết liệt rà soát, phân loại các dự án đang triển khai và trả lời dứt khoát cho người dân về tình trạng các dự án, sẽ tiếp tục thực hiện hay thu hồi, xóa quy hoạch. Đồng chí cũng cho biết, thành phố sẽ sớm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy trình rút gọn nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân có liên quan. Đề cập về tình trạng tham nhũng, suy thoái đạo đức trong một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức hiện nay, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Phải kiên quyết xử lý các cán bộ sai phạm, tham nhũng, suy thoái đạo đức…

* Sáng 10-12, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị cán bộ chính trị tổng kết công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chủ trì hội nghị.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Quân ủy T.Ư, hội nghị xác định năm 2020, hoạt động CTĐ, CTCT trong toàn quân tập trung thực hiện tốt việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, trọng tâm là Nghị quyết của Quân ủy T.Ư về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng. Chỉ đạo, hướng dẫn đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ Quân đội bảo đảm đúng nguyên tắc; chủ động làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11 và tham gia các nội dung phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xây dựng, triển khai thực hiện quy chế làm việc nhiệm kỳ 2020- 2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu. Tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp, tác phong công tác của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp; duy trì thực hiện nghiêm túc nền nếp, chế độ hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ; tích cực chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, phản động, cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020.

* Chiều 10-12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) T.Ư ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH đến kiểm tra, giám sát công tác TĐ-KT năm 2019 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tích Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung trong sự phát triển của đất nước. Trong đó, đáng chú ý là chất lượng giáo dục mầm non đạt chuẩn, chất lượng giáo dục phổ thông chuyển biến tích cực; công tác thi cử đã được cải tiến; xây dựng hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên ngày càng đạt chuẩn… Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, ngành giáo dục cần chú trọng chuyển đổi chương trình sách giáo khoa mới bài bản, tạo sự đồng thuận cao của xã hội; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách dạy và học; tiếp cận phương pháp dạy và học tiên tiến của các nước trên thế giới và phát huy tư duy sáng tạo của người học. Triển khai, kết nối với các đại sứ quán để chăm lo cho học sinh, sinh viên du học ở nước ngoài; quan tâm, xây dựng giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh chăm lo học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; tăng cường công tác thanh tra ngành, trong đó chú trọng công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống gian lận thi cử; sự an toàn ở các điểm trường mầm non… Về công tác TĐ-KT, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn ngành giáo dục tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong những năm tới; tôn vinh và biểu dương giáo viên, học sinh, sinh viên vượt khó, đạt nhiều thành tích nổi bật.

* Ngày 10-12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM dự Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ chip” (EPF 2019) do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Công ty Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, về công nghệ, nếu chúng ta mạnh dạn tiến thẳng lên một bước sẽ không bị lỡ nhịp. Để làm được việc này, cần có sự đồng lòng không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, của ngân hàng. Liên quan vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn, an ninh trong thanh toán với người dân là thiết thực. Vì vậy, cần thúc đẩy công nghệ số gắn với an toàn, an ninh và phải để người dân thấy lợi ích để tham gia. Các bộ, ngành đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân đến bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Diễn đàn EPF 2019 đã tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử nhằm giảm tối đa thanh toán bằng tiền mặt theo mục tiêu đã được Chính phủ đặt ra. Cụ thể, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10% và năm 2025 giảm xuống dưới 8%.