Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 19-11, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về những nội dung liên quan các vấn đề kinh tế - xã hội.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 10 tháng qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương tỉnh Cà Mau đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt nhiều nhóm chỉ tiêu. Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng đất của địa phương; phát huy thế mạnh du lịch ở miệt rừng Đất Mũi; xác định rõ ngành hàng chủ lực, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án điện gió,... Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài; tăng cường đối thoại tiếp dân, không để xảy ra điểm nóng, dẫn đến khiếu nại vượt cấp kéo dài; chỉ đạo quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Tây Nam; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,…

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ trì phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, có nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cảng Hòn Khoai, cảng khí, điện gió, phát triển hạ tầng giao thông,...

Trong chương trình làm việc tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đi thăm, tặng quà hai hộ gia đình chính sách; thị sát công tác khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; khảo sát tình hình sạt lở ven biển và một số công trình trọng điểm đầu tư tại Khu du lịch Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển),...

* Chiều 19-11, tại Hà Nội, đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư gặp mặt các đại biểu Quốc hội là chức sắc các tôn giáo. Bày tỏ vui mừng khi được gặp mặt đông đủ các đại biểu Quốc hội là chức sắc các tôn giáo, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Qua gần hai năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy các quy định của Luật đã cơ bản bảo đảm sự đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác đã được ban hành, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về vị trí, vai trò của công tác tôn giáo. Đồng thời, Luật cũng xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời hiệu giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền. Đồng chí đề nghị trong quá trình thực thi Luật, ngoài việc bảo đảm đúng theo các quy định, cần tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo có cơ hội triển khai thuận lợi các hoạt động của tôn giáo mình; mong muốn với vai trò và uy tín của các đại biểu Quốc hội là chức sắc, chức việc các tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng để tín đồ các tôn giáo đồng lòng thực thi pháp luật, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu Quốc hội là chức sắc các tôn giáo thống nhất đánh giá, sau gần hai năm có hiệu lực thi hành, hai văn bản gồm: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo nên những chuyển biến tích cực, qua đó tạo hành lang pháp lý để thực hiện thống nhất công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

* Ngày 19-11, tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí PHAN ĐÌNH TRẠC, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị lấy ý kiến về Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính T.Ư nhấn mạnh: Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về CCTP là chủ trương lớn của Đảng, được Bộ Chính trị quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã ba lần sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Nghị quyết. CCTP là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước. Quá trình xây dựng Đề án tổng kết cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra, cần tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ để hoàn thiện, đặc biệt, mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại điểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào những nội dung trọng tâm gồm: Đánh giá kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; về yêu cầu khách quan của CCTP, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới…

Kết thúc hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49 cho biết, sẽ nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu để đưa vào Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.

* Chiều 19-11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH gặp mặt đoàn đại biểu Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiêu biểu năm 2019.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước biểu dương những thành tích mà trong lĩnh vực GDNN đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, nguồn lực đầu tư đến công tác GDNN, xây dựng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, GDNN nước ta đang gặp nhiều thách thức như: chất lượng lao động còn thấp; hệ thống cơ sở GDNN chưa thật sự đồng bộ… Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Phó Chủ tịch nước đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống GDNN cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và coi đây là giải pháp đột phá để phát triển GDNN trong những năm tới; quy hoạch lại hệ thống, từng bước trang bị cơ sở vật chất, trường lớp hiện đại, nâng cao chất lượng để tiếp cận chuẩn của khu vực và trên thế giới. Xây dựng chương trình đào tạo nghề đổi mới, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả.

Phó Chủ tịch nước mong muốn, mỗi thầy, cô giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được, kiên định vượt khó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong công việc; luôn tận tâm yêu nghề, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo.