Hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều ngày 18-11, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cà Mau lần thứ 3 - năm 2019.

Phát biểu ý kiến tại đại hội, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Giai đoạn 2014-2019, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Cà Mau đã tổ chức triển khai nhiều Nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan công tác dân tộc trong tình hình mới… Trong giai đoạn này, nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Tỉnh ủy và Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 5 năm và hằng năm đề cập khá nhiều về công tác dân tộc tại địa phương. Nhờ đó, đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng về công tác dân tộc; tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Trong nhiệm kỳ mới 2019-2024, đồng chí Trương Hòa Bình gợi mở bảy vấn đề quan trọng đối với đồng bào DTTS Cà Mau, trong đó thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược; đồng bào các DTTS tiếp tục đoàn kết, sáng tạo trong lao động, sản xuất; phát huy bản sắc văn hóa đặc thù phục vụ du lịch, góp phần với chính quyền đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Theo báo cáo, tỉnh Cà Mau có 65 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS, được phân định theo ba khu vực. Trong đó có 127 ấp đặc biệt khó khăn; tỉnh có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 13 dân tộc thiểu số, khoảng 53 nghìn người.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách đặc thù mà trong giai đoạn 2014 - 2019, đời sống vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau có sự đổi mới vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào đạt gần 36 triệu đồng (năm 2018), bằng 81% so với mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm đều hằng năm từ 3 đến 4%, đến nay tỉnh còn 15,58% hộ nghèo DTTS.

★ Chiều 18-11, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình giá thịt lợn trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng cao, đòi hỏi cần có giải pháp kiểm soát chỉ số giá, bảo đảm cung - cầu về thịt lợn và giảm lạm phát kỳ vọng đối với mặt hàng thiết yếu này.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ khẳng định, giá thịt lợn đã tăng 18,64% vượt cả dự báo từ đầu năm 2019, nhất là xuất hiện tình hình phức tạp về đầu cơ thịt lợn. Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25 đến 30% so ngày thường. Ðáng chú ý, Bộ NN và PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung, cũng như không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung - cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3 đến 3,9% và có thể thấp hơn mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng và giá lợn tăng trên cơ sở bảo đảm cung - cầu và minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng biết để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên; yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN và PTNT, các địa phương không chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết 42 của Chính phủ, Chỉ thị 04 và Công điện 667 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo 9380 của Trưởng Ban Chỉ đạo giá liên quan sản xuất và cung ứng thực phẩm từ thịt lợn.

Bộ NN và PTNT ban hành hướng dẫn vận chuyển lợn đã qua chế biến qua các địa phương, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ NN và PTNT và Bộ Công thương phải phụ trách theo địa bàn cụ thể về chống dịch, lưu thông thực phẩm từ thịt lợn, có kế hoạch điều hòa cung cầu, chịu trách nhiệm với Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người dân.

★ Ngày 18-11, Ðoàn kiểm tra số 1155 của Ban Bí thư do đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm Trưởng đoàn, làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Cán sự đảng Bộ về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, gắn với việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Cẩm Tú ghi nhận, Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII gắn với các quy định về trách nhiệm nêu gương trong Bộ, ngành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình của Bộ, của ngành; đặc biệt, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, trong đó có dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo Báo cáo đã đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, những việc chưa đạt được, phân tích nguyên nhân, đề xuất, kiến nghị, trong đó có đề xuất, kiến nghị đối với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.