Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Sáng 26-11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ TRƯƠNG HÒA BÌNH - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo, xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nghe báo cáo, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về hướng xử lý các vướng mắc liên quan đến Nhà máy đóng tàu Dung Quất, như công tác quyết toán hợp đồng EPC dự án xây dựng (giai đoạn 1); quyết toán dự án tàu chở dầu 104 nghìn DWT giữa SBIC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); xem xét đưa một số dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo. Ðối với việc xử lý vướng mắc thực hiện quyết toán hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giai đoạn 1), Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương rà soát, xem xét kỹ lại các nội dung thỏa thuận ký kết của hợp đồng, đồng thời rà soát, kiểm tra lại các kết luận thanh tra liên quan đến hợp đồng để xử lý dứt điểm trong tháng 12-2020.

Về vướng mắc quyết toán tàu chở dầu 104 nghìn DWT, do SBIC và PVN chưa thống nhất được giá trị con tàu khi thực hiện chuyển giao nguyên trạng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ SBIC sang PVN, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng, SBIC và PVN họp bàn để thống nhất giá trị con tàu theo đúng quy định của pháp luật để tiến hành xử lý dứt điểm. Về xem xét đưa một số dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành, PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đưa các dự án/doanh nghiệp DAP-1, Ethanol Phú Thọ và Ethanol Bình Phước ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, có căn cứ, cơ sở để có quyết định chính thức.

* Chiều 26-11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước ÐẶNG THỊ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TÐ-KT) T.Ư dự Ðại hội thi đua yêu nước ngành xây dựng lần thứ 5 (2020 - 2025). Cùng dự, có đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Xây dựng.

Phát biểu ý kiến tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Hội đồng TÐ-KT T.Ư, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trong 5 năm qua. Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, ngành xây dựng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, về quy hoạch và kiến trúc, trong đó hướng đến xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc dân tộc rõ rệt, phù hợp từng vùng, miền. Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, nhất là đối với các công trình trọng điểm quốc gia quy mô lớn, kỹ thuật cao trong các lĩnh vực. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có bản sắc; đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Ðồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là đất đai; coi việc phát triển nhà ở cho người dân là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Phó Chủ tịch nước lưu ý, ngành xây dựng tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc.

Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba tặng sáu tập thể, cá nhân. Dịp này, năm tập thể đã được nhận Cờ thi đua của Chính phủ năm 2019; năm cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

* Ngày 26-11, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), do đồng chí TRẦN THANH MẪN, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu về tình hình, kết quả bước đầu thực hiện công tác PCTN năm 2020 tại tỉnh.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Công tác PCTN luôn được Ðảng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ. Ðại hội XII của Ðảng đã nhấn mạnh, đấu tranh PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Ðáng lưu ý, từ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm. Bất cứ cơ quan, đơn vị, cá nhân nào có sai phạm đều phải xử lý. Ðồng chí nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN nhận định, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Ðối với tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, thanh tra và tự kiểm tra, giám sát; nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quản lý, sử dụng nhà đất công, chi tiêu ngân sách, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án đầu tư công, ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt". Ðồng thời, phải vừa kiên quyết xử lý tham nhũng, vừa kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa trong nội bộ quần chúng nhân dân nhằm hạn chế hiện tượng lãng phí. Tiếp tục thực hành tiết kiệm, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí trong tỉnh phải cùng vào cuộc để đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, người dân trong tham gia PCTN, lãng phí...

PV