Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Chiều 26-10, tại Hà Nội, đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, dự và điều hành Hội nghị cán bộ Ðoàn, Hội, Ðội chủ chốt và thanh niên tiêu biểu góp ý dự thảo các văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng, do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cho biết: Công tác tham gia góp ý các văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng gắn với quá trình tham gia góp ý văn kiện đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp trên cơ sở cũng như cấp tỉnh đã được các cấp bộ Ðoàn triển khai với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo. Tiêu biểu, có việc sinh hoạt chi đoàn với chủ đề "Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng - Nhận thức và hành động của tuổi trẻ"; tổ chức các diễn đàn, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học; triển khai lấy ý kiến của đoàn viên, thanh niên trên in-tơ-nét, mạng xã hội và hệ thống báo chí của Ðoàn, Hội. Ðồng chí Trương Thị Mai đề nghị Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tiếp cận các dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng theo hướng sâu sắc, đa chiều, sát thực tiễn hơn. Trong đó, cần đặc biệt chú ý những khía cạnh như đổi mới sáng tạo, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao; các thách thức, cơ hội trong tương lai đối với thế hệ trẻ...

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về những vấn đề chung trong các văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng như chủ đề, phương châm chỉ đạo, mục tiêu, hệ quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 trong từng lĩnh vực, gắn với vai trò của tổ chức Ðoàn và các thế hệ thanh niên Việt Nam; những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược được đề cập trong dự thảo các văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng.

* Ngày 26-10, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam vào các dự thảo văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng. Dự hội nghị có các đồng chí: TRẦN THANH MẪN, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Phó Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào văn kiện Ðại hội Ðảng; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến góp ý vào các văn kiện của Ðại hội chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Ðảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Ðại hội. Ðồng thời làm cho ý Ðảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đề ra.

Ðánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt những ngày qua, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị thời gian tới, các tổ chức thành viên phối hợp MTTQ các cấp tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình để chăm lo đời sống cho đồng bào, đưa ra phương án phù hợp cùng người dân chủ động phòng ngừa bão lũ có thể tiếp tục xảy ra ở miền trung; giúp bà con ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh khi thiên tai kết thúc.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các văn kiện của Ðại hội. Trong đó, về công tác xây dựng Ðảng, Ban soạn thảo cần đề cập cụ thể hơn việc kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các Ủy viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các đồng chí bí thư chi bộ. Về chất lượng nguồn nhân lực, cần tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, bởi thời gian qua nội dung này chưa tạo được đột phá, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực cán bộ nữ trong thời gian tới; phần dự báo tình hình thế giới và đất nước nên phân tích sâu những thuận lợi và cơ hội của bối cảnh tình hình thế giới, khu vực…

* Chiều 26-10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức Ðại hội thi đua yêu nước lần thứ 5, nhằm đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.

Dự Ðại hội, có Phó Chủ tịch nước ÐẶNG THỊ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cá nhân là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2020...

Thông qua các phong trào thi đua, với nhiều kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được, Bộ KH và CN được khối thi đua các bộ, ngành khoa học - văn hóa - xã hội bình chọn và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen các năm 2016, 2018 và 2019. Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất lần hai nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập bộ. Chủ tịch nước đã trao tặng 70 Huân chương các loại, gồm: Huân chương Ðộc lập, Huân chương Lao động và ba Huân chương Chiến công cho tập thể, cá nhân các đơn vị trực thuộc Bộ KH và CN. Thủ tướng Chính phủ đã phong tặng năm Danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, 19 lượt Cờ thi đua và 41 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trực thuộc Bộ KH và CN.

Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao Bộ KH và CN nói riêng và toàn ngành KH và CN nói chung, trong 5 năm qua, đã làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu cho Ðảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về KH và CN.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, các phong trào thi đua do Bộ KH và CN phát động và các phong trào thi đua thiết thực của các đơn vị trực thuộc đã bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ, tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặc biệt là việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế tài chính, giảm thiểu các gánh nặng hành chính cho người làm khoa học; mặc dù trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, quy mô và trình độ phát triển kinh tế - xã hội nước ta còn thấp, nhưng trình độ nghiên cứu và sản phẩm khoa học - công nghệ Việt Nam trong một số lĩnh vực đã tiếp cận được tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần thiết phải phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do vậy, Bộ KH và CN cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Ðảng, Nhà nước xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...