Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Sáng 18-10, tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư có buổi làm việc trao đổi chuyên đề “Nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận, công đoàn của Ðảng trong giai đoạn hiện nay”, tại Lớp tập huấn cán bộ công đoàn chủ chốt cấp tỉnh, thành phố, ngành năm 2019, do Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam tổ chức.

Trao đổi ý kiến về chuyên đề nêu trên tại lớp tập huấn, đồng chí Trương Thị Mai đã đề cập các văn bản quan trọng của Ðảng liên quan quan điểm của Ðảng về công đoàn, người lao động, như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 20 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 80 và Thông báo Kết luận số 22 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80 về phát triển công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; các văn bản về quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ của Ban Bí thư T.Ư; Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ðồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Ðảng, Nhà nước và xã hội luôn dành cho tổ chức công đoàn một vị trí đặc biệt; nhất là, khi Việt Nam bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, công đoàn phải là tổ chức đầu tiên có sự đột phá trong bảo vệ người lao động (NLÐ). Muốn như vậy, tổ chức công đoàn phải đổi mới hoạt động, tổ chức một cách mạnh mẽ hơn nữa; mỗi cán bộ công đoàn phải chủ động học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, am hiểu pháp luật, nhằm bảo vệ được quyền lợi của đoàn viên, NLÐ. Ðồng chí tin tưởng, trong 10 năm tới, tổ chức Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức lớn nhất, mạnh nhất, là lựa chọn đầu tiên mà NLÐ tìm tới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.

Nhân dịp này, đồng chí Trương Thị Mai cũng trao đổi về những vấn đề liên quan NLÐ trong khu vực doanh nghiệp; những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đòi hỏi công đoàn nhìn nhận và kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, đáp ứng được niềm tin của Ðảng và đoàn viên, NLÐ trong tình hình mới.

* Chiều 18-10, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia (UBQG) ASEAN 2020 đã họp Phiên thứ tư, dưới sự điều hành của đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch UBQG.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, mặc dù Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 từ ngày 1-1-2020, nhưng việc tiếp nhận vai trò này từ Thái-lan sẽ diễn ra ngay đầu tháng 11-2019. Do đó, UBQG ASEAN 2020, các tiểu ban, Ban thư ký ASEAN quốc gia và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan cần nỗ lực hết sức triển khai và hoàn tất các công tác chuẩn bị trong giai đoạn “nước rút” hiện nay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong việc triển khai, chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; lưu ý cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình, bám sát định hướng, chủ trương, phân công nhiệm vụ trong Ðề án tổng thể về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và các Ðề án chi tiết về nội dung, tuyên truyền - văn hóa, lễ tân, vật chất - hậu cần, an ninh - y tế. Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Tổng thư ký về các công việc tiếp theo cần thúc đẩy triển khai, đặc biệt là các hoạt động quan trọng khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong dịp đầu năm 2020; đánh giá cao các sáng kiến do các bộ, cơ quan liên quan đề xuất, yêu cầu tiếp tục đầu tư sâu hơn nữa để các sáng kiến này mang lại nhiều giá trị lâu dài cho ASEAN và Việt Nam.

* Sáng 18-10, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc giữa Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá, thông tin từ các báo cáo và qua trao đổi, thảo luận đã giúp đại biểu Quốc hội nắm chắc và sâu về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố, tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của cử tri và nhân dân, của các cơ quan thành phố; những giải pháp thành phố thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh. Buổi làm việc còn là dịp giúp các cơ quan thành phố rà soát lại việc ứng phó với các sự cố xảy ra trên địa bàn, qua đó rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, nhất là việc bảo đảm an toàn, cung cấp thông tin cho người dân.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhằm chủ động dự báo và ứng phó trước những nguy cơ mất an toàn với người dân, năm 2017, thành phố đã ban hành “Ðề án về quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”. Tới đây, các cấp, ngành phải quan tâm thực hiện tốt đề án này. Quản lý đô thị dân cư đông như Hà Nội, từng cấp, từng ngành phải thường xuyên nâng cao trách nhiệm, đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh quy định cho phù hợp, ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. UBND thành phố phải có quy định, cơ chế kiểm soát chặt chẽ mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ cho người dân; hướng dẫn người dân, các khu chung cư xây dựng quy trình, cơ chế giám sát bảo đảm an ninh, an toàn, ngay cả với bể nước nhà mình.

* Ngày 18-10, tại tỉnh Yên Bái, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dự Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ ba - năm 2019, do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức.

Báo cáo tại đại hội cho biết, là tỉnh miền núi, có 30 dân tộc chung sống (DTTS chiếm 56,24%), từ năm 2014 đến năm 2019, tỉnh Yên Bái đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới khu vực đồng bào DTTS. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm, đến hết năm 2018 còn 17,68%; các chính sách hỗ trợ cho đồng bào được triển khai và phát huy hiệu quả; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chuyển biến tích cực; bản sắc văn hóa truyền thống được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; đội ngũ cán bộ người DTTS, cán bộ nữ được đào tạo căn cơ, bài bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Ðại hội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2024 giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 90% số xã có đường ô-tô được nhựa hóa, bê-tông hóa đến trung tâm xã; hằng năm có từ 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Phát biểu ý kiến tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái cần sớm có kế hoạch triển khai việc phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn một cách đồng bộ, tạo sinh kế bền vững, thu nhập lâu dài theo hướng “giảm cho không, tăng cho vay”; tăng cường cho vay theo kênh tín dụng ngân hàng chính sách, mỗi hộ nghèo được vay khoảng 100 triệu đồng, khơi dậy tinh thần tự chủ vươn lên của đồng bào, sớm thoát nghèo bền vững. Ðồng thời, tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp...

* Sáng 18-10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt Ðoàn đại biểu nữ cán bộ quản lý, nhà khoa học nữ ngành giáo dục.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt biểu dương những thành tích đã đạt được của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học nữ ngành giáo dục tiêu biểu trong thời gian qua. Ðó là đại diện những tấm gương nhà giáo tiên phong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là minh chứng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của phụ nữ ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác giáo dục và đào tạo có vị trí quan trọng trong xã hội, đòi hỏi nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất, quyết định đến mọi nguồn lực phát triển khác. Ðể tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện của nền giáo dục Việt Nam, đồng chí đề nghị, ngành giáo dục cần kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, kết hợp nhuần nhuyễn nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, nhà trường gắn với gia đình và xã hội; có các hình thức thi đua sâu rộng trong toàn ngành để tạo động lực cho thầy giáo, cô giáo dạy giỏi, học sinh, sinh viên học tốt; tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ðồng chí mong muốn, thời gian tới, đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ ngành giáo dục không ngừng phấn đấu, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục, từ đó truyền đạt những kiến thức mới, kỹ năng mới đến học sinh, sinh viên.