Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Ngày 4-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng chủ trì cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Phương án phân vùng là tiền đề để lập các quy hoạch vùng. Do đó, việc xây dựng và thông qua phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết để có cơ sở kịp thời triển khai lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, nước ta được phân thành sáu vùng kinh tế - xã hội gồm vùng trung du và miền núi phía bắc (14 tỉnh), vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), vùng Tây Nguyên (năm tỉnh), vùng Ðông Nam Bộ (sáu tỉnh, thành phố) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).

Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) đã chủ động nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất các phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng và các bộ, ngành về phương án phân vùng, Bộ KH-ÐT đã trình Chính phủ hai phương án phân vùng…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng làm nổi bật lên những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như: mục tiêu của phân vùng, cơ chế hợp tác, liên kết vùng, những tác động về chính sách thông qua kết cấu hạ tầng, thu hút nguồn vốn đầu tư, không gian phát triển của vùng...

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ÐT tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng ngay trong tháng 6 này…

★ Chiều 4-6, tại Hà Nội, Ðoàn công tác của Quốc hội do Ðại tướng Ðỗ Bá Tỵ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trường đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tiếp đoàn, về phía Bộ Công an có Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích, kết quả mà Trường đại học PCCC đã đạt được thời gian qua. Ðồng thời, đề nghị, Ban Giám hiệu, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, giảng viên, học viên của trường cần tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và toàn diện các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, luật, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Công an về công tác giáo dục, đào tạo, công tác PCCC, nhất là Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác PCCC...

Tập trung chuẩn bị thật kỹ cho việc nâng cấp trường thành Học viện PCCC, để xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị thế nhà trường hiện nay, coi đây là nhiệm vụ chính trị, mục tiêu trọng yếu trong thời gian tới. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các cơ sở đào tạo PCCC và cứu nạn cứu hộ của các nước phát triển trên thế giới để trao đổi, học tập kinh nghiệm… Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nhà trường cần thường xuyên đổi mới nội dung chương trình giảng dạy, tập trung đào tạo một số lĩnh vực chuyên sâu mà đất nước đang cần như: PCCC rừng; cứu nạn cứu hộ trong trường hợp sự cố các công trình cao tầng; cứu nạn cứu hộ các sự cố sập hầm mỏ, sạt lở đất, đá; cứu nạn cứu hộ trên sông, biển…