Hòa Bình tinh giản cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp

* Yên Bái tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp

Người dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) thu hoạch chè. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Người dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) thu hoạch chè. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc làm tốt công tác rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để tinh giản đúng đối tượng và gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Theo đó, sáu cơ quan giúp việc của Tỉnh ủy có 31 đầu mối giảm xuống còn 19 đầu mối; cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng giảm từ 64 người xuống còn 39 người, trong đó cấp trưởng phòng giảm 12 người, cấp phó trưởng phòng giảm 13 người. Khối cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh giảm từ 42 đầu mối xuống còn 27 đầu mối.

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ các xã, thị trấn, phường chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định và triển khai sáp nhập để tăng cường quy mô đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37 ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị. Đến nay, tỉnh đã giảm một huyện, đưa huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào thành phố Hòa Bình; giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã trong tổng số 210 đơn vị, bằng 28%. Có địa phương nhập hai, ba, thậm chí bốn xã thành một xã. Việc tinh giản cán bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy cũng là một bước rà soát chất lượng cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Do tinh giản đầu mối, biên chế, số cán bộ dôi dư hàng nghìn người; riêng huyện Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình và các xã, thị trấn, phường là hơn 1.150 người, đang được Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết theo quy định và lộ trình. Sau khi sáp nhập các đơn vị, kinh phí chi thường xuyên toàn tỉnh giảm hơn 170 tỷ đồng/năm.

* Sáu tháng đầu năm, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái chỉ tăng 2,27% so cùng kỳ năm 2019 (chủ yếu tăng giá trị nhóm cây ăn quả và một số cây hằng năm); giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt hơn 50 triệu USD, giảm 39,7%. Nhiều sản phẩm tồn kho, không tiêu thụ được, nhất là các sản phẩm xuất khẩu, như: chè, cà-phê, tinh bột sắn, đường... do các nước nhập khẩu dừng mua. Dịch tả lợn châu Phi tái phát khiến địa phương phải tiêu hủy hơn 400 con lợn. Hiện, còn tám xã chưa qua 30 ngày hết dịch. Cùng với đó, thiên tai gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, rau màu, cây trồng lâu năm và cây ăn quả.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tổ chức chương trình kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, chỉ hai tháng sau khi dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 30.600 tấn xoài, hơn 51 nghìn tấn mận, hàng trăm tấn rau củ; giải phóng được hàng chục nghìn tấn sản phẩm tinh bột sắn lưu kho...

Hiện, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến nông sản trọng điểm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các kho chứa, kho lạnh, tăng năng lực thu gom và thời gian bảo quản. Quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP và các tiêu chuẩn tương tự; hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu...