Hình ảnh Bác nơi chiến khu xưa

Ở vùng quê thanh bình của đồng bào người Mạ ấy, dưới những mái nhà ấm áp, từng có những người con của núi rừng trải nhiều tháng năm bất khuất trước kẻ thù và một lòng trung trinh với Ðảng, với Bác kính yêu. Ðó là Lộc Lâm, xã vùng sâu thuộc huyện Bảo Lâm (Lâm Ðồng), từng là một chiến khu nổi tiếng, hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người năm nay, Lộc Lâm đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Dàn cồng chiêng đồng bào dân tộc Mạ.
Dàn cồng chiêng đồng bào dân tộc Mạ.

Nơi này dù xa xôi, cách biệt giữa núi rừng nhưng mỗi lần đến với Lộc Lâm là trong tôi lại có cảm giác "trở về". Có lẽ vùng quê cách mạng tươi đẹp, quê hương của những con người can trường, thủy chung và nghĩa tình này luôn chinh phục và gọi mời những bước chân trải nghiệm. Trong ngôi nhà khang trang của cựu du kích K’Brốp, khi tôi hỏi về tình cảm của đồng bào đối với Bác Hồ, cụ nói ngay: "Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Ðảng, cũng thờ Bác Hồ". Rồi cụ cầm tay tôi đưa tới bên chiếc tủ gỗ nhỏ lục tìm chốc lát, lôi ra từ chiếc ống nứa lên bóng một bức hình úa mầu. Tôi xúc động khi được ngắm bức ảnh Bác Hồ in trên giấy báo cũ bạc màu thời gian. Cụ K’Brốp nói rằng, bức ảnh vô giá này cụ được một anh bộ đội miền bắc cắt ra từ một tờ báo mà anh có được trên đường hành quân và tặng cụ từ năm 1965, trong một lần bộ đội chủ lực về phối hợp với du kích Lộc Lâm đánh giặc. Suốt bao nhiêu năm qua cụ luôn giữ gìn, nâng niu ảnh Bác như báu vật. Mặc dù, từ ngày đất nước thống nhất, được tặng rất nhiều bức ảnh mới của Bác nhưng "bảo bối" này vẫn giữ một giá trị thiêng liêng trong ngôi nhà của người du kích dân tộc Mạ kiên dũng năm nào.

Tôi lại được trở về với tháng năm xưa theo dòng hồi ức của lão cựu du kích. Từ năm 1945, dù chưa được giác ngộ cách mạng nhưng ở Lộc Lâm có thủ lĩnh K’Kíu đứng ra lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Ðã có sáu mươi thanh niên đi theo K’Kíu chống lại âm mưu chiếm phá buôn làng, lập tề điệp của giặc. Người dân Lộc Lâm còn nhớ các ông K’Blưu, K’Chàng, K’Bình, K’Biêng…, những người đi đầu trong phong trào yêu nước tự phát này. Pháp qua rồi Mỹ tới, Lộc Lâm bắt đầu cuộc chiến với kẻ thù mới bằng truyền thống đã được xây đắp. Lúc đầu, mọi người chỉ biết nghe lời K’Chàng, K’Blưu mà chưa hiểu biết nhiều về cách mạng. Ðến năm 1961, những cán bộ của Ðảng đã về tới rừng sâu với đồng bào dân tộc Mạ nơi này. Họ mang về đây lời hiệu triệu của Ðảng và tiếng gọi đoàn kết một lòng đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ làng, buôn của Bác Hồ kính yêu. Ông K’Chàng, một cán bộ từ thời chống Mỹ từng nói với tôi: "Hồi đó, gặp cán bộ Bác Hồ cử về, chúng tôi như gặp được ánh sáng của Yàng (thần - PV). Từ đó, chúng tôi tuyên truyền với nhân dân là chỉ nghe theo lời Ðảng, lời Bác, quyết tâm xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ buôn làng…".

Suốt bao tháng năm qua, người Mạ ở Lộc Lâm luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, một lòng trung thành với Ðảng, với cách mạng, với sự nghiệp xây dựng đất nước. Từ năm 1961 cho đến hôm nay, tất cả các gia đình luôn treo ảnh Bác Hồ trong ngôi nhà của mình như một sự biết ơn, một lời nhắc nhở. Họ cũng lưu giữ Thư của Người gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số tại Pleiku và coi đó là "tấm biển chỉ đường". Chị Ka Phờm, Bí thư Ðảng ủy xã, đưa tôi xem bản thành tích của quân dân Lộc Lâm trong thời chống Mỹ, những dòng tư liệu vô giá được viết bằng xương máu của một thời đã qua. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, cả xã Lộc Lâm chỉ có hơn 300 người dân nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một căn cứ kháng chiến của tỉnh Lâm Ðồng, một đầu mối trên tuyến hành lang Ðông - Tây của chiến trường miền nam. Với vị trí quan trọng, Lộc Lâm cũng trở thành một vùng tranh chấp, một chiến địa ác liệt. Quân và dân Lộc Lâm đã tham gia 93 trận đánh, diệt 370 tên địch, bắn rơi sáu máy bay. Hơn 80 người con ở các buôn làng đã lên đường tham gia quân giải phóng và các cơ quan kháng chiến, người ở lại đóng góp 80 nghìn ngày công bảo vệ căn cứ, vót hàng chục triệu cây chông; 70 nghìn ngày công tải đạn, lương thực phục vụ chiến đấu. Ðã có 38 người con Lộc Lâm anh dũng ngã xuống hoặc đóng góp một phần máu xương cho Tổ quốc. Lộc Lâm cũng có chi bộ đảng từ rất sớm. Năm 1961, xã đã có một chi bộ với bốn đảng viên, năm 1965 phát triển lên 14 đảng viên, năm 1967 đã có 23 đồng chí và đến ngày thống nhất thì giữa rừng già Lộc Lâm đã có một đảng ủy với năm chi bộ và 67 đảng viên.

Bí thư Ðảng ủy xã Ka Phờm nói rằng: "Thế hệ cán bộ trẻ chúng tôi luôn biết ơn những người đi trước. Từ đó, gắng hết sức mình để xây dựng quê hương Lộc Lâm xứng đáng với truyền thống anh hùng đã được cha ông xây đắp từ trong những tháng ngày gian khổ chiến tranh". "Về tình hình an ninh chính trị và diễn biến tư tưởng của bà con?" - "Ồ, rất ổn định. Bà con Lộc Lâm một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ. Trước nghe lời Ðảng, lời Bác anh dũng đấu tranh bảo vệ buôn làng, đất nước; nay bà con chăm lo chí thú làm ăn và xây dựng quê hương. Ở Lộc Lâm chưa từng có người nào theo Fulro hay nghe lời kẻ xấu…".

★ ★ ★

Trước ngày lễ trọng đại đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, khắp các thôn, buôn trong xã rạo rực không khí phấn chấn, tự hào. Những con đường phong quang, sạch đẹp và tràn sắc hoa giấy đỏ, hoa bằng lăng tím. Làng buôn quy hoạch ngăn nắp, nhà cửa dân cư khang trang. Trường học các cấp được xây dựng kiên cố, rợp bóng cây xanh. Nhà văn hóa thoáng đẹp. Bưu điện văn hóa xã có hàng trăm đầu sách các loại và tám đầu báo. Trên địa bàn xã có hai trạm thu phát sóng điện thoại di động; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thoại cố định và di động đạt 100%, tất cả ba thôn sử dụng dịch vụ truy cập in-tơ-nét cáp quang và qua di động. Xã có một trạm truyền thanh, hằng ngày phát bản tin địa phương và tiếp phát các chương trình của huyện, tỉnh và Trung ương qua hệ thống loa kết nối đến các thôn, buôn.

Các đồng chí lãnh đạo xã cung cấp thông tin: Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình nông thôn mới tại Lộc Lâm giai đoạn 2011 - 2020 là hơn 65 tỷ đồng. Nhờ đó mà cải thiện cơ bản các kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Trong báo cáo của xã cũng cập nhật những số liệu cụ thể: Tổng số nhân khẩu trên địa bàn xã hiện nay là 2.795 khẩu với 723 hộ thuộc 14 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 2.294 khẩu, chiếm 82% dân số. Nhiều năm qua, khai thác tiềm năng đất đai, Lộc Lâm chú trọng phát triển nhanh và mạnh các loại cây công nghiệp. Tính đến đầu năm 2021, toàn xã có 463 ha cà-phê, gần 308 ha chè và 94 ha cây ăn quả. 546 hộ dân trong xã tham gia quản lý bảo vệ gần 12.000 ha rừng, tổng số tiền được nhận hơn bốn tỷ đồng mỗi năm. Việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng góp phần tăng thêm thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc tại chỗ. Từ năm 2011 đến nay, nhờ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trên địa bàn xã từng bước được cải thiện, thu nhập ngày càng cao. Ðến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,2 triệu đồng/người/năm, mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng từ 15 đến 20% so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo ngày càng giảm. Ở các vùng quê khác, những thành tích đó chưa phải là lớn lao, nhưng với Lộc Lâm, một vùng quê cách biệt giữa không gian núi rừng với đa số cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, thì đó là kết quả của một quá trình nỗ lực bền bỉ. Hy vọng rằng, từ nền tảng đạt chuẩn nông thôn mới hôm nay, mảnh đất cách mạng kiên trung ấy sẽ ngày càng thêm phồn vinh, giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng trong kháng chiến…

★ ★ ★

Tạm biệt xứ sở của những người con dân tộc Mạ kiên trung, tôi mang theo ánh mắt đầy biết ơn của lão cựu du kích K’Brốp khi ngắm hình ảnh vị Cha già dân tộc. Ánh mắt ấy như một thông điệp chuyển tải thay tấm lòng của đồng bào nơi mảnh đất Lộc Lâm xa xôi mãi mãi giữ vẹn truyền thống trung thành với Ðảng và nguyện một lòng nghe theo lời dạy thiêng liêng, cao quý của Bác kính yêu.

Bài và ảnh: UÔNG THÁI BIỂU