Hiệu quả tinh gọn bộ máy ở Tuyên Quang

Thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, sáp nhập các cơ quan hành chính đã giúp bộ máy hành chính của tỉnh Tuyên Quang bớt cồng kềnh, giảm thủ tục hành chính; tiết kiệm ngân sách. Công tác này đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Bộ phận giao dịch một cửa ở TP Tuyên Quang đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Bộ phận giao dịch một cửa ở TP Tuyên Quang đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Huyện Yên Sơn được tỉnh Tuyên Quang chọn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII. Trước khi thực hiện Nghị quyết, huyện có 13 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, 105 đơn vị sự nghiệp công lập; 31 đơn vị hành chính cấp xã với 473 thôn, tổ dân phố. Bước vào thí điểm, huyện đã xây dựng đề án và ban hành kế hoạch về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Huyện sáp nhập các văn phòng: Huyện ủy, HÐND và UBND huyện thành Văn phòng huyện; Ủy ban Kiểm tra (UBKT) và Thanh tra huyện thành cơ quan UBKT - Thanh tra; Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ... Ðến nay, UBND huyện chỉ còn 10 cơ quan chuyên môn, giảm ba đầu mối. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện cũng giảm còn 93 đơn vị; số đơn vị hành chính cấp xã hiện chỉ còn 28 đơn vị, 335 thôn; đồng thời thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh như: bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại năm xã; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HÐND tại 15 xã; phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HÐND tại bảy xã. Ở 12 trong số 28 xã, hiện bí thư, chủ tịch UBND xã không phải người địa phương... Ðồng chí Trần Giang Tuyên, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Yên Sơn cho biết, Yên Sơn là huyện miền núi, địa bàn rộng, giao thông gặp nhiều khó khăn cho nên việc sáp nhập các cơ quan vừa giảm đầu mối, vừa tinh giản bộ máy lãnh đạo, giảm biên chế; trong công việc tránh được sự chồng chéo, phát huy được năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ; nâng cao giá trị sử dụng cơ sở vật chất như phòng họp, máy móc, phương tiện và hơn nữa là cắt giảm được thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân.

Trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang có ba đơn vị quản lý nhà nước gồm: Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và 37 đơn vị sự nghiệp công lập (gồm 14 đơn vị tuyến tỉnh và 23 đơn vị tuyến huyện). Ðối với cơ quan hành chính có 13 phòng (Sở Y tế: sáu phòng; Chi cục Dân số - KHHGÐ: ba phòng; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: bốn phòng); các đơn vị sự nghiệp công lập có tổng số 415 đầu mối phòng, khoa và tương đương. Sở Y tế đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở. Từ đó, đã hợp nhất các phòng thuộc Sở từ sáu còn bốn phòng; hợp nhất, sáp nhập ba trung tâm y tế tuyến tỉnh (Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản) để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện, Bệnh viện đa khoa huyện vào Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGÐ thành phố vào Trung tâm Y tế thành phố; giải thể Trường trung cấp Y tế. Do vậy, đến nay ngành y tế tỉnh đã giảm được: hai phòng thuộc Sở; 16 đơn vị sự nghiệp công lập; 25 phòng, khoa và tương đương của các đơn vị thuộc Sở; giảm 53 lãnh đạo. Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc sắp xếp bộ máy tổ chức, cán bộ của các cơ quan, đơn vị diễn ra thuận lợi, đã đi vào hoạt động ổn định. Kết quả đã giảm được đáng kể số đầu mối đơn vị trực thuộc, phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống y tế. Công tác y tế dự phòng, khám, chữa bệnh cho nhân dân được thực hiện liên tục. Công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thuận lợi, hiệu quả hơn trước.

Tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và triển khai tám đề án thí điểm hợp nhất tám cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện với các cơ quan Ðảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng tại 4 trong số 7 huyện, thành phố. Xây dựng, triển khai 43 đề án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố. Sau sắp xếp, đã giảm 107 đầu mối thuộc các cơ quan hành chính so với năm 2015 gồm tám chi cục, ban; 38 phòng nghiệp vụ và tương đương thuộc sở, ngành; 53 phòng thuộc chi cục, ban; tám phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giảm 205 lãnh đạo quản lý, giảm số lượng cấp phó, giảm khâu trung gian, tinh gọn bộ máy quản lý. Ðiều này góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, phát huy được năng lực tham mưu, tổng hợp của đội ngũ công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị. Quá trình sắp xếp bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định và quan tâm công tác cán bộ, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy đúng quy định. Ðến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo kế hoạch đến năm 2021; thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức, bảo đảm tỷ lệ vị trí chuyên môn, nghiệp vụ từ 65% trở lên; tăng cường xã hội hóa, giảm tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập. Sau sắp xếp, giảm 43 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 147 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 261 lãnh đạo quản lý.

Tỉnh đã chỉ đạo rà soát cụ thể các yếu tố tác động về kinh tế - xã hội, đặc thù dân tộc, tôn giáo, vị trí địa lý, địa hình và thuận lợi, khó khăn để xây dựng Ðề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; làm việc cụ thể với từng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy để thống nhất giải pháp bố trí công tác hoặc giải quyết chế độ, chính sách... Do đó, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, dư luận xã hội. Kết quả sắp xếp giảm từ 141 xuống còn 138 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 363 thôn, tổ dân phố; giảm 39 cán bộ, công chức cấp xã, giảm 11 viên chức giáo dục và y tế xã, giảm 26 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm 5.263 người.

Tuy nhiên, việc rà soát, quy định chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND vẫn còn một số bất cập cần khắc phục. Các đơn vị sự nghiệp công lập quy mô còn nhỏ, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí chi thường xuyên còn ít; chậm xã hội hóa trong một số lĩnh vực sự nghiệp. Việc thực hiện mục tiêu giảm ít nhất 10% số lượng đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm tỷ lệ; việc tinh giản biên chế, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NÐ-CP gặp nhiều khó khăn. Tinh giản biên chế mới đang dừng ở việc cắt giảm về số lượng biên chế; việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo cơ cấu hợp lý và tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Ðể quá trình thực hiện các nghị quyết về tinh giản đội ngũ cán bộ hiệu quả, xây dựng bộ máy hoạt động có chất lượng cao, những bất cập nêu trên cần sớm được tỉnh khắc phục.