Hà Nam kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất

NDO -

Ngày 17-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam (20-10-1980 - 20-10-2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. 

Hà Nam kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; cùng các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, thành phố; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tỉnh Hà Nam nằm ở phía tây nam đồng bằng sông Hồng, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, mảnh đất địa linh nhân kiệt, bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng; quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa, chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, Hà Nam có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của đất nước. Sau 130 năm hình thành và phát triển, các thế hệ người dân Hà Nam luôn chung sức, đồng lòng, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Trong lịch sử phát triển, tỉnh Hà Nam đã trải qua nhiều thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Cách đây 130 năm, ngày 20-10-1890, tỉnh Hà Nam được thành lập theo Điều I của Nghị định Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở toàn bộ vùng đất của phủ Lý Nhân, hai tổng của Phú Xuyên, gồm năm huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm và tỉnh lỵ Phủ Lý.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đảng và Nhà nước đã có một số lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Hà Nam.

Năm 1965, Hà Nam hợp nhất với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà.

Đến năm 1976, hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.

Năm 1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, ngày 1-1-1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, mở ra một trang mới trong lịch sử tỉnh Hà Nam. Đến nay, tỉnh Hà Nam có diện tích tự nhiên khoảng 860 nghìn km2, dân số hơn 83 vạn người, gồm sáu đơn vị hành chính cấp huyện, 109 đơn vị hành chính cấp xã.

Hơn một thế kỷ qua, là một quá trình phấn đấu gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất vẻ vang và tự hào của nhân dân Hà Nam. Nhân dân Hà Nam cùng cả nước đã chung sức, đồng lòng, anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hà Nam tự hào là hậu phương lớn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với những đóng góp đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam và 53 tập thể, 39 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.412 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh sau 130 năm từ ngày thành lập, đặc biệt là sau hơn 23 năm tái lập, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ, tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện về kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị; phúc lợi và an sinh xã hội; diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện về vật chất và tinh thần; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Hà Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước; cơ cấu kinh tế có nhiều thay đổi theo đúng định hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước; bình quân đạt hơn 11%/ năm.

Năm 2020, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng đạt 63%, dịch vụ 27,5%, nông lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 66,6 triệu đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả. Hà Nam là một trong tám tỉnh của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6/6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Kết quả đạt được trên các lĩnh vực đã khẳng định ý chí, quyết tâm, tinh thần vượt khó, sáng tạo của nhân dân, cán bộ tỉnh Hà Nam, là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam tự tin trên lộ trình hội nhập và phát triển.

Hà Nam kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất -0

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, tỉnh Hà Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất lần thứ 2; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua giải nhất và hai Cờ thi đua giải ba, Cụm thi đua các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng; ba tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam vinh dự, tự hào được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà tỉnh Hà Nam đã đạt được trong suốt chặng đường 130 năm xây dựng và phát triển.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn và tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, đổi mới sáng tạo, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.

Đồng thời, tỉnh Hà Nam cần phát huy tiềm năng, lợi thế là cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kỹ thuật khu vực công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường, hạ tầng khu trung tâm y tế chất lượng cao.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, cải cách các thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, thương mại dịch vụ nhất là các dịch vụ y tế chất lượng cao, thương mại hiện đại, du lịch; phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh Hà Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong tốp đầu của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phấn đấu tự cân đối ngân sách và có điều tiết về trung ương; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân trung của cả nước.

Cùng với đó, tỉnh Hà Nam cần thực hiện tốt quy hoạch tỉnh, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, gắn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao; tăng cường quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường và tài nguyên khoáng sản.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, y tế, thể thao; thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng quốc phòng vững mạnh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam; trao Huân chương Lao động cho 15 cá nhân và danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc cho một cá nhân.