Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Hôm qua, ngày 21-10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ hai.

Ðại biểu QH tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: VÕ NAM
Ðại biểu QH tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: VÕ NAM

Tránh làm phát sinh thêm thủ tục

Mở đầu phiên họp trực tuyến buổi sáng, các đại biểu QH nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Theo đó, tại kỳ họp thứ chín, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu QH, các đoàn đại biểu QH, ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và đã có Báo cáo đầy đủ số 588/BC-UBTVQH14 ngày 9-10-2020 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) để gửi đến các vị đại biểu QH. So với dự thảo Luật đã trình QH tại kỳ họp thứ chín, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), có ý kiến đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Vì vậy, đề nghị lựa chọn tiêu chí thời gian tạm trú từ một năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú.

Ðề cập điều khoản thi hành (Ðiều 38), đại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên) và nhiều đại biểu cho rằng, thay hộ khẩu bằng giấy sang phương thức điện tử, định danh cá nhân là xu thế rất tiến bộ và là mục tiêu cần hướng tới song cần phải có lộ trình và phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây phiền hà cho người dân. Các đại biểu đề nghị, Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thủ tục; đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Vì theo các đại biểu, mặc dù việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới là hết sức cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành (1-7-2021), nhưng trong giai đoạn đầu khi kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn chưa hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính người dân vẫn cần phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú... Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thời điểm 31-12-2022 có thể vẫn chưa hoàn tất kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội cho nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Phối hợp bảo vệ khu vực biên giới, cửa khẩu

Buổi chiều, QH thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Theo đó, Ủy ban TVQH cho rằng, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam là phù hợp, thống nhất với pháp luật hiện hành, kế thừa Pháp lệnh BÐBP. Về ý kiến đề nghị xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp nhằm tránh chồng chéo với Luật Công an nhân dân, Ủy ban TVQH cho rằng, hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG) là một thể thống nhất, bao gồm BGQG trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG) phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại KVBG, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. Dự thảo Luật quy định BÐBP chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BÐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường BGQG trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Do vậy, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở KVBG và cửa khẩu. Thực tế cho thấy, BÐBP và các cơ quan tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu ý kiến tham luận, nhiều đại biểu QH khẳng định: BÐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang), đại biểu Lò Thị Luyến (Ðiện Biên) và nhiều đại biểu khác ủng hộ quan điểm của cơ quan trình dự án Luật vì: việc thực thi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở KVBG khác căn bản với việc thực thi hai nhiệm vụ này ở đất liền, là hai nhiệm vụ quan trọng không tách rời nhau do có nhiều tình huống an ninh, trật tự xuất phát từ bên kia biên giới. Do vậy cần một cơ quan chủ trì thực hiện hai nhiệm vụ.

Ðề nghị dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cần bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú đối với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi, yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa gia đình chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Vì thời gian qua, nhiều chủ nhà hàng, quán bar, ka-ra-ô-kê và nhiều gia đình sử dụng lao động trẻ em và người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê làm giúp việc mà không khai báo tạm trú..., khi bị kiểm tra, phát hiện, họ nhận trẻ em là họ hàng. Trong khi trách nhiệm của người giám hộ hợp pháp để bảo đảm quyền và lợi ích, quyền được bảo vệ, chăm sóc của trẻ em và người chưa thành niên đã được quy định khá rõ trong Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết.

Ðại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An)

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cần xem xét, nghiên cứu, quy định hình thức, thủ tục gia hạn tạm trú đơn giản hơn đăng ký tạm trú, thí dụ như chỉ cần phiếu gia hạn tạm trú hoặc đăng ký trực tiếp bằng điện thoại, phương tiện điện tử, làm sao để bảo đảm nhanh, gọn, thuận tiện hơn cho người dân khi thực hiện thủ tục này.

Ðại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng)

Theo Ðiều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong số 51 tội phạm mà BÐBP được điều tra ban đầu có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ðiều 33 Luật này quy định cơ quan hải quan có thẩm quyền điều tra ban đầu ba tội phạm, trong đó có tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Như vậy, cả BÐBP và cơ quan hải quan đều có thẩm quyền điều tra ban đầu hai tội phạm nêu trên. Việc luật hóa thẩm quyền của BÐBP trong việc kiểm tra phương tiện tại cửa khẩu khi có dấu hiệu vi phạm chỉ là phương thức bảo đảm cho cơ quan này phát hiện, xử lý hành vi vi phạm tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Ðại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)