Giúp đồng bào vùng biên nâng cao hiểu biết pháp luật

Không chỉ quan tâm tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật tập trung, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Ðiện Biên còn chủ động đưa pháp luật đến đồng bào vùng biên giới bằng nhiều hình thức linh hoạt, như: cấp phát tờ rơi, giới thiệu các quy định pháp luật qua các tiểu phẩm ngắn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Điện Biên tuyên truyền về chủ quyền, lãnh thổ và biên giới quốc gia tại Trường THPT Mường Nhé.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Điện Biên tuyên truyền về chủ quyền, lãnh thổ và biên giới quốc gia tại Trường THPT Mường Nhé.

Cũng có khi, BÐBP về từng bản bị ảnh hưởng đạo trái phép để phân tích mặt trái, điều mà kẻ xấu đặt ra… Qua các hoạt động đó, từng bước nâng cao kiến thức về pháp luật cho đồng bào khu vực biên giới, giúp bà con hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần như các hoạt động tuyên truyền tập trung của BÐBP tỉnh Ðiện Biên đều tạm dừng. Song ngay khi tình hình dịch trong nước được kiểm soát và trên địa bàn tỉnh không phát hiện ca dịch nào, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn về các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Ðiện Biên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới.

Trao đổi với chúng tôi, Ðại tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Theo thói quen, phong tục tập quán, nhiều đồng bào vùng cao thường đón Tết riêng của dân tộc vào khoảng từ đầu tháng 12 (dương lịch) trở đi, do vậy dịp này bà con thường tập trung đông, đối tượng xấu có thể sẽ lợi dụng xuyên tạc, gây mất đoàn kết. Lường trước điều đó, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã lập kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các đoàn công tác khảo sát địa bàn để lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp tập quán từng dân tộc, từng địa bàn và từng vùng bị ảnh hưởng luận điệu xấu. Theo đó, chương trình chung được các đoàn xây dựng ở các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà là chiếu phim, trình diễn tiểu phẩm giới thiệu quy định pháp luật phòng, chống dịch Covid-19, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống ma túy… Cùng với đó, các đoàn phát tờ rơi bằng song ngữ (tiếng Việt - tiếng Thái; tiếng Việt - tiếng H’Mông), thông tin các quy định pháp luật biên giới. Với huyện Mường Nhé - địa bàn hiện đang có một bộ phận đồng bào dân tộc H’Mông, Dao bị ảnh hưởng tà đạo, như: "Giê-Sùa", "Bà Cô Dợ"…, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã giao nhiệm vụ cho đội tuyên truyền phải chủ động phối hợp các Ðồn Biên phòng: Leng Su Sìn, Nậm Kè, Mường Nhé lập danh sách, mời đầy đủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín dự hội nghị tuyên truyền tập trung tại trụ sở các xã. Ngoài thông tin đầy đủ các nội dung quy định pháp luật, cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn hướng dẫn già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các xã: Nậm Kè, Chung Chải, Leng Su Sìn kỹ năng, cách nhận biết hoạt động tà đạo, qua đó chủ động tiếp cận nhân dân để tuyên truyền, vận động từ bỏ.

Trực tiếp tham gia đợt tuyên truyền tại cơ sở, Thiếu tá Vũ Ngọc Hiệp, Phó Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Mường Mươn, chia sẻ: Phần lớn nhân dân ở khu vực biên giới đều có cuộc sống khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế. Ðể công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, cán bộ tuyên truyền phải sử dụng nhiều hình ảnh trực quan; nêu những câu chuyện từ thực tiễn phản ánh tác hại tà đạo, luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Với hai tà đạo "Giê-Sùa" "Bà Cô Dợ", đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải làm rõ đặc điểm nhận biết, tác động tiêu cực từ hai tà đạo đến đời sống nhân dân, từ đó giúp đồng bào chủ động nhận biết bản chất và chủ động từ bỏ, không tin, không theo sự xúi giục của kẻ xấu.

Là một trong số những trưởng bản ở địa bàn còn tà đạo đã được dự tập huấn do BÐBP tỉnh Ðiện Biên tổ chức, ông Thào A Gia, Trưởng bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, thẳng thắn cho biết: Trong bản Huổi Khon hiện còn 18 gia đình với hơn 100 nhân khẩu bị ảnh hưởng tà đạo "Bà Cô Dợ". Sau hội nghị tập huấn kiến thức do BÐBP hướng dẫn, tôi đã hiểu thêm tác hại xấu của tà đạo này. Sắp tới, tôi sẽ đến từng nhà tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu "Bà Cô Dợ" là tà đạo, chỉ phục vụ mục đích xấu cho một nhóm người hòng gây chia rẽ trong nhân dân bản Huổi Khon nói riêng, nhân dân xã Nậm Kè nói chung chứ không có ích lợi gì cho đồng bào H’Mông.

Với các học sinh lớp 12C1 Trường THPT Mường Nhé thì những nội dung tuyên truyền mà đoàn công tác BÐBP tỉnh Ðiện Biên đem về huyện Mường Nhé, đã giúp các em hiểu hơn những khái niệm: Chủ quyền, ranh giới đất liền, chủ quyền biển đảo, tình cảm hữu nghị nhân dân trên biên giới… "Về bản, em sẽ nói với bố mẹ, người thân trong dòng họ và bà con dân bản về chủ quyền của đất nước Việt Nam để mọi người hiểu, giữ bình yên từng đường biên, mốc giới, là hành động thể hiện tình yêu nước ý nghĩa, thiết thực" - em Lường Thị Hậu, học sinh Trường THPT Mường Nhé tâm sự.

Cũng trong đợt tuyên truyền đầu tháng 12-2020 vừa qua, tại các xã: Nậm Kè, Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé), Na Cô Sa, Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ), Mường Mươn (huyện Mường Chà), Ðội Tuyên truyền văn hóa BÐBP tỉnh Ðiện Biên còn tổ chức năm đêm văn nghệ kết hợp chiếu phim, phóng sự tuyên truyền về pháp luật; về chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thu hút gần 2.500 người xem, theo dõi. Thông qua những lời ca, tiếng hát, điệu múa, cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh đã truyền đi những thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, về niềm tự hào trong lớp lớp thế hệ người Việt Nam đến bà con nhân dân các dân tộc trên miền biên viễn.

Đại tá Nguyễn Ðức Cảnh, Chính ủy Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Ðiện Biên, cho biết thêm: Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng nên dù chỉ triển khai trong một tuần, song cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh Ðiện Biên đã tổ chức sáu hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến 342 cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận bản, chi hội trưởng các đoàn thể, đại biểu người có uy tín trên địa bàn các xã: Nậm Kè, Leng Su Sìn, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Mường Mươn, Mường Nhà. Tại các điểm tuyên truyền do BÐBP tổ chức, luôn có hàng trăm lượt đồng bào các dân tộc tham dự, lắng nghe. Ðiều này phần nào cho thấy hiệu quả cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật đến đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó từng bước tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, nhân dân khu vực biên giới.