Giảng viên luật có được hành nghề luật sư?

NDO - NDĐT – Một trong những điều được các đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt, không chỉ trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Luật sư, mà cả các kỳ thảo luận trước; không chỉ trong lần sửa đổi Luật mà cả lần soạn thảo Luật vào năm 2006, đó chính là có nên hay không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức đang giảng dạy pháp luật.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: "Không cho phép giảng viên luạt hành nghề luật sư, đó là một sự lãng phí về chất xám".
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: "Không cho phép giảng viên luạt hành nghề luật sư, đó là một sự lãng phí về chất xám".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không cho phép

Theo Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư do Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày, trong các kỳ thảo luận trước, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật, theo đó, viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

UBTV Quốc hội nhận thấy, việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không, cần được cân nhắc thấu đáo, cả về lý luận và thực tiễn.

Kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”.

Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên. Hơn nữa, việc cho phép kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp theo định hướng cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật luật sư lần này.

Về ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư với tư cách là luật sư tư vấn, UBTVQH nhận thấy, nếu chỉ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật để làm dịch vụ tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề luật sư cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

Từ những phân tích trên, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.

Và những ý kiến đồng tình

Khá nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Luật sư ngày 23-10 đã đồng tình với những phân tích trên đây của UBTV Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, giảng viên chức năng nhiệm vụ là giảng dạy, là dành thời gian cho giảng dạy. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang nâng cao chất lượng giảng dạy thì để tập trung cho chuyên môn. Bởi vì khi tham gia bào chữa thì giảng viên phải thực hiện đúng theo các quy định. Trong thực tế hiện nay, nhiều khi tòa án đã triệu tập phiên tòa rồi nhưng vắng mặt luật sư nên không xét xử được. Chính vì vậy, câu chuyện mà luật sư bận cũng là một trong những nguyên nhân góp phần trong việc tồn án của tòa án.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đồng tình theo phân tích của đại biểu Hoa Sinh và nói thêm, việc cho giảng viên làm hành nghề luật sư, bào chữa mà thành công thì xuất sắc, nhưng có những vụ án sẽ không thành công thì hình ảnh của người thầy ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến học trò trong quá trình giảng dạy.

Cũng đồng tình với các đại biểu trên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trước đây, khi làm Luật Luật sư thì đã đưa vấn đề này ra bàn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã thống nhất là không đồng tình để giáo viên kiêm nhiệm thêm nghề luật sư. Từ đó đến nay, Luật Luật sư ra đời mới được năm, sáu năm, lý do gì chúng ta lại đưa lại vấn đề này vào? Lập luận của Chính phủ đưa ra vì cần phải phát triển đội ngũ luật sư cho nên cần phải bổ sung thêm đội ngũ giảng viên thì tôi cho rằng chưa thuyết phục”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đặt câu hỏi: “Tại sao không cấm tất cả các ngành nghề khác mà riêng ngành nghề luật sư này lại phải mang ra để bàn?” Và tự trả lời: “Đơn giản nó là vấn đề đặc thù. Tôi cho rằng riêng nghề luật sư này ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp đến quyền nhân thân của con người, cho nên chúng ta phải bàn bạc ở chỗ này và luật mới cấm. Chứ ngoài việc này ra thì các thầy giáo khác, làm bất kỳ nghề nào khác thì không ai đặt ra vấn đề cấm”.

Đại biểu Ánh lý giải thêm, luật sư là một nghề đặc thù, hôm nay là thân chủ nhưng ngày mai nhiều khi là nạn nhân, bởi vì khi thua kiện thì có khi giữa thân chủ và luật sư lại kiện cáo nhau. Đây không phải là vấn đề đơn giản. Thậm chí còn bị rượt đuổi, đánh ngay trước công đường. Thậm chí bây giờ luật sư đi kiện thân chủ vì tranh chấp hợp đồng cũng rất nhiều.

Và theo đại biểu Ánh, bây giờ có đồng tình cho giảng viên hành nghề luật sư chăng nữa thì số lượng giáo viên đăng ký hành nghề luật sư cũng không nhiều, bởi lòng tự trọng của giáo viên.

Phản đối việc giảng viên luật hành nghề luật sư, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, giữa giảng dạy luật và luật sư là hai nghề khác nhau. Chúng ta không thể so sánh thầy giáo dạy luật với thầy giáo dạy y hành nghề bác sĩ, vì bác sĩ chữa bệnh ngoài giờ, thời gian làm việc đó không ảnh hưởng thời gian làm việc, còn thầy giáo giảng dạy trong giờ hành chính, nghề luật sư cũng thông thường diễn ra trong giờ hành chính. Theo đuổi một vụ án dân sự hay hình sự có khi mất cả tháng, trên một địa bàn rất rộng, có thể ở Hà Nội, Điện Biên, TP Hồ Chí Minh… Nếu giáo viên tham gia bào chữa thì không bảo đảm giảng dạy và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động tại tòa trong quá trình tiến hành tố tụng.

Không nên lãng phí một nguồn nhân lực chất lượng cao

Tuy nhiên, trong buổi thảo luận tại hội trường, khá nhiều ý kiến phản bác mạnh mẽ quy định về việc cấm giảng viên hành nghề luật sư, vì sẽ làm lãng phí một nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghề luật sư, trong khi việc dạy và học nghề này thì lại phải học chay, dạy chay. Người lên tiếng mạnh mẽ hơn cả là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu tỉnh Bắc Giang. Ông không đứng ở góc độ luật pháp, mà từ những kinh nghiệm của ông trong quá trình nhiều năm quản lý ngành giáo dục.

Phó Thủ tướng cho rằng, với phương châm là học đi đôi với hành, giảng viên đại học khi dạy một nghề nào đó thì có nên tham gia vào hành nghề thực tiễn của nghề đó. Những người giảng dạy luật nếu đạt các trình độ, học các bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư mà dám nhận làm luật sư thì đấy là rất có ích cho nghề. Các giảng viên đại học ngành nông nghiệp người ta làm hợp đồng tư vấn cho sản xuất nông nghiệp. Giảng viên ở ĐH Bách khoa đi làm tư vấn cho doanh nghiệp cải tiến thiết bị.

Những nghề như nghề y, hầu hết các thầy giáo là trưởng khoa, phó khoa, đồng thời là phó bộ môn hoặc trưởng khoa ở bệnh viện. Bệnh nhân khi gặp bác sĩ chữa mình đồng thời là giảng viên đại học thì sẽ tin tưởng hơn, bởi vì người bác sĩ đó đánh cược cả hai sự tín nhiệm: tín nhiệm là bác sĩ, tín nhiệm là người thầy. Và trong ngành y, nếu chúng ta cấm các giảng viên đại học trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thậm chí đảm nhiệm chức vụ phó, trưởng khoa bệnh viện thì rất khó khăn cho ngành y.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: “Giảng viên luật thì gắn thực tiễn bằng công cụ gì?” Nếu có thể thì chúng ta cho phép giảng viên hành nghề luật sư, nhưng có điều kiện. Nhà trường có thể quy định quỹ thời gian dành cho nghiên cứu, giảng dạy bao nhiêu và thời gian làm công tác tư vấn không vượt quá, giáo viên phải "liệu cơm, gắp mắm".

Theo ông, trường đại học nên có quy định phải có nhận xét với những giảng viên tham gia làm luật sư. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy thì trường đình chỉ không cho hành nghề. Và phải quy định 5 năm giảng dạy trở lên hoặc thạc sĩ, tiến sĩ mới đi làm luật sư thì sẽ bảo đảm chất lượng của người làm công tác tư vấn.

Một vấn đề khác, theo Phó Thủ tướng là với giảng viên các trường đại học luật ngoài công lập thì họ không phải là viên chức, không liên quan gì đến Luật Viên chức. Hiện nay, nhiều giảng viên sau khi thôi ở trường công lập thì sang dạy ở trường dân lập, tư thục. Chúng ta có nên cấm giảng viên ở trường tư thục dạy luật pháp có bằng tiến sĩ lâu năm được làm không?

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, thực tế hiện nay chất lượng luật sư không đồng đều, còn thiếu về số lượng, cần nâng cao hơn về chất lượng. Trong khi đó lực lượng giảng viên ở các trường đại học luật là những người giỏi, có trình độ cao, nếu không cho phép lực lượng này hành nghề luật sư, đó là một sự lãng phí về chất xám, về khoa học pháp lý trong hoạt động tố tụng. Điều cơ bản nhất hiện nay chúng ta quan tâm là khi có đội ngũ luật sư giỏi tham gia tranh tụng sẽ góp phần nâng cao được chất lượng công tác xét xử, nếu có áp lực thì áp lực đó cũng tạo ra động lực cho sự phát triển mạnh hơn, không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, khi cho phép giảng viên được hành nghề luật sư cũng cần phải có những quy định bổ sung là giảng viên làm nghề luật sư chỉ được hành nghề dưới hình thức là làm việc hợp đồng với cơ quan, tổ chức hành nghề luật sư và không thành lập, cũng như không tham gia thành lập các tổ chức hành nghề luật sư.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) lần lượt phản bác bốn lý do không đồng tình. Đối với lý do thứ nhất, khi ban hành Luật Luật sư hiện hành là lúc chúng ta chưa có Luật Viên chức mà chỉ có Luật Cán bộ công chức, viên chức trong đó quy định cấm đối tượng này hành nghề luật sư. Nhưng nay trong Luật Viên chức thì đối tượng là giáo viên giảng dạy luật là viên chức không bị cấm hành nghề, mà đều được tham gia những ngành nghề khác ngoài công việc chính.

Lý do thứ hai, chúng ta không sợ giáo viên đi bào chữa thì chi phối đối với học trò là thẩm phán. Không một cương vị nào trong bộ máy Nhà nước lại không có những người là thầy của họ, nếu sợ như thế thì có lẽ rất khó trong việc bố trí sử dụng cán bộ.

Lý do thứ ba là về chất lượng luật sư hiện nay còn yếu, vì vậy mới cần phải có một đội ngũ luật sư vững vàng, ở đây là những người thầy giáo.

Lý do thứ tư, khi gắn lý thuyết với thực hành thì chắc chắn sẽ tốt hơn.

Rất nhiều các đại biểu khác cũng đã đưa ra những lý do thuyết phục để dự thảo Luật Luật sư cho phép giảng viên được hành nghề luật sư như đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), Chu Sơn Hà (TP Hà Nội), Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)…

Đại biểu Trần Du Lịch kể, ông từng học trường luật Sài Gòn niên khóa 1970-1974. Các thầy của ông là những luật sư nổi tiếng của đoàn luật sư. Và ông mong Quốc hội sẽ cân nhắc về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho biết ông ủng hộ việc giảng viên luật được hành nghề luật sư từ khi ban hành Luật Luật sư năm 2006 và cho đến nay vẫn nhất quán như vậy. Theo ông, điều này phù hợp với tập quán của nhiều nước. Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm không cho người dạy luật được hành nghề luật, tức là dạy người ta việc mà mình không làm, thầy giáo đi dạy người ta việc mà mình không biết, không làm mà chỉ dạy lý thuyết.

Đây là buổi thảo luận cuối cùng về dự thảo Luật Luật sư. Và luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 20-11.

Trước những tranh cãi không hồi kết của các đại biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết có thể có những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc lấy phiếu thăm dò và xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật này.