Quốc phòng - An ninh

Giải mã ký hiệu, phiên hiệu phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc, hơn 1,1 triệu người con ưu tú của đất nước đã anh dũng hy sinh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết việc mai táng liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ sau chiến tranh.

Giải mã ký hiệu, phiên hiệu sẽ giúp xác minh chính xác đơn vị và danh tính liệt sĩ. Ảnh: nguoiduado.vn.
Giải mã ký hiệu, phiên hiệu sẽ giúp xác minh chính xác đơn vị và danh tính liệt sĩ. Ảnh: nguoiduado.vn.

Do yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu, các đơn vị đều có những phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư riêng để giữ bí mật. Việc giải mã các ký hiệu, phiên hiệu là điều hết sức cần thiết để xác định được lại địa bàn tác chiến từng đơn vị và tìm ra địa điểm nơi liệt sỹ hy sinh. Thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, ngày 22-6-2011, Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam và Bộ Tổng Tham mưu đã ký kết chương trình phối hợp triển khai giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (Số 960/CT-BTTM-HCCB) và phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BQP ngày 22-3-2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Kế hoạch số 1240/KH-TM ngày 9-8-2010 của Bộ Tổng Tham mưu. Qua đó, có thể cung cấp thông tin để các đơn vị quân đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giải quyết chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh.

Qua hai năm thực hiện, toàn Hội có 63/63 tỉnh, thành Hội CCB đã triển khai ký kết chương trình phối hợp giải mã với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; phối hợp với Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu lựa chọn mẫu thông tin cần xác minh. Bước đầu đã nhanh chóng thống nhất được những mẫu tin khớp với nhiều ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong các cuộc chiến tranh trước đây.

Đến tháng 12-2010, tiến trình in ấn tài liệu theo mẫu biểu phục vụ chương trình giải mã cơ bản được hoàn thành và đã tổ chức cấp phát phiếu cho hơn 11.121 tổ chức Hội CCB cấp xã, phường và thị trấn. Thêm vào đó, các thông số, thông tin về mộ liệt sĩ do các CCB cung cấp đều được đối chứng, xác minh và được bàn giao đầy đủ cho cơ quan quân sự địa phương phân tích, tổng hợp và sử dụng theo đúng yêu cầu. Những số phiếu, thông tin thu được là những tư liệu quý, là kết quả huy động trí lực của các thế hệ CCB đã đi qua các cuộc chiến tranh với biết bao hy sinh, cống hiến xương máu đã được tái hiện lại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, không thể không nói đến những khó khăn, vất vả mà các cấp Hội CCB đang trải qua. Công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội là một nhiệm vụ mới, liên quan đến nhiều cấp ngành, nhiều tổ chức, cá nhân. Thêm vào đó, với sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều đơn vị; hệ thống tổ chức sâu rộng với nhiều loại ký hiệu, phiên hiệu, hòm thư do nhiều cấp quản lý khiến cho việc tìm kiếm và giải mã càng trở nên khó khăn. Phần lớn CCB tham gia chiến đấu trên các chiến trường trước đây thường xuyên phải di chuyển qua các địa bàn. Xuất phát từ nhu cầu bí mật quân sự và thực tế chiến trường, tính khắc nghiệt của chiến tranh cho nên các ký hiệu, phiên hiệu thường xuyên phải thay đổi. Những nhân chứng lịch sử nắm chắc phiên hiệu, ký hiệu đơn vị chiến đấu nay tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ giảm, thậm chí lâm bệnh nặng. Do vậy, việc cung cấp thông tin ký hiệu, phiên hiệu theo yêu cầu ghi trên phiếu có độ chính xác chưa cao, còn nhầm lẫn.

Ông Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho biết: "Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn còn một số hạn chế, chưa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân. Công tác quản lý, lưu trữ khai thác thông tin phối hợp và hỗ trợ cho công tác tìm kiếm còn chưa khoa học, khiến chúng tôi vô cùng trăn trở". Chính vì thế, để tiếp tục thực hiện chương trình có hiệu quả, các cấp Hội cần chủ động phối hợp với Bộ chỉ huy và cơ quan quân sự tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các địa phương động viên nhân dân, nhất là các đối tượng trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường trong các thời kỳ trước đây tiếp tục cung cấp thông tin giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị.

Đồng thời cần phối hợp triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ theo Quyết định số 1237/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, như: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên các cổng thông tin điện tử, ấn phẩm; tuyên truyền về kết quả tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và biểu dương người tốt, việc tốt về thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... Từ nay đến năm 2015, các Bộ, ngành chức năng các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, quân đội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội CCB các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần cố gắng tập trung tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; kiện toàn lực lượng chuyên trách của quân đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

"Chiến tranh đã lùi xa, những người anh hùng hy sinh vì độc lập đất nước đã nằm xuống. Nhưng những người con, người cháu luôn khắc sâu tên các anh trong tim mình. Nên dù có khó khăn thế nào, chúng tôi sẽ cố gắng, không ngại khó khăn để thực hiện tốt chương trình này", ông Nguyễn Song Phi xúc động nói.

Một số ký hiệu, phiên hiệu chiến trường, đơn vị được giải mã:

1. Ký hiệu chiến trường:

- B1: Chiến trường Quân khu 5, gồm các tỉnh Quảng - Đà (nay thuộc các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).

- B2: Chiến trường Quân khu 6, 7, 8, 9 (thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long).

- B3: Chiến trường Tây Nguyên.

- B4: Chiến trường Bình Trị Thiên - Huế.

- B5: Mặt trận giới tuyến 17 và tỉnh Quảng Trị.

2. Ký hiệu đơn vị:

- KN: Mặt trận Quảng - Đà, Bộ CHQS các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sư đoàn 711 (nay là Sư đoàn 2, Quân khu 5), Sư đoàn 3 (Quân khu 1).

- KB: Quân khu 8 (cũ), Cục Hậu cần Miền, Phòng Tình báo V102, Bộ CHQS các tỉnh: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), các Sư đoàn: 1, 5, 7, 9 và các Đoàn: 23, 90, 570.

- KT: Phòng Hậu cần B3, Sư đoàn 1, 2, 3, 6, 320, 304.

- KH: Đoàn 4, 5, 8; các đơn vị có ký hiệu 4 số: 1068, 2020, 2028, 4001, Sư đoàn 324 (chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên).

-NB: Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Miền (chủ lực Miền).

- E96, Đoàn 75, B2 (Đoàn Pháo binh Miền) nay là Lữ đoàn Pháo binh 75, Quân khu 7.