Dựng “lũy thép biên cương” chống dịch Covid-19

NDO -

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch như chống giặc”, những người lính mang quân hàm xanh ở Kiên Giang thần tốc dựng “lũy thép biên cương”, siết chặt đường mòn, lối mở, ngăn buôn lậu và chống dịch Covid-19...

Trung úy Trần Văn Thiện cùng cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân ở khu vực biên giới thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trung úy Trần Văn Thiện cùng cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân ở khu vực biên giới thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Vững vàng nơi tuyến đầu

Đầu tháng ba, hai bên bờ kênh Vĩnh Tế hướng biên giới thuộc địa phận huyện Giang Thành, những cây mai, chậu cúc vẫn còn khoe sắc trong nắng vàng. Ngồi trên chiếc vỏ lái, chốc chúng tôi lại thấy phấp phới lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió và dọc theo suốt chiều dài biên giới. Đó chính là những điểm chốt do người lính biên phòng dựng lên để phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn buôn lậu.

Chúng tôi đến thăm chốt số 11, còn gọi là chốt Mương Châu, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều. Chốt mới được bổ sung, dựng xong trước Tết Nguyên đán bằng vật liệu tôn. Đây là nơi che nắng, che mưa cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) đứng chân làm nhiệm vụ. Chứng kiến nơi ở và những cung đường tuần tra của CBCS, chúng tôi cũng chỉ hiểu và cảm được một phần sự vất vả, cực nhọc và sự cống hiến thầm lặng của người lính biên phòng nơi tuyến biên giới.

Trực ở chốt Mương Châu có Trung úy Trần Văn Thiện (26 tuổi), Đội trưởng Phòng, chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Vĩnh Điều và ba cán bộ, chiến sĩ trẻ tuổi. Trung úy Thiện cho biết, hồi tháng 3-2020, khi anh đang nghỉ phép về thăm quê ở tỉnh Thái Bình thì nhận được lệnh trở về đơn vị để thực nhiệm vụ khẩn. Cũng từ thời điểm đó đến nay, anh được giao trực xoay vòng ở các chốt và chưa rời tuyến biên giới. Tết Nguyên đán vừa qua, Thiện cũng như bao CBCS khác đã ở lại đơn vị, ở lại chốt làm nhiệm vụ.

Thiện bộc bạch, ai cũng có nỗi niềm tình cảm riêng, Tết đến Xuân về ai cũng muốn gia đình sum họp. Thế nhưng, khi ở lại chốt trực làm nhiệm vụ giúp bà con nhân dân vui vẻ đón tết thì bản thân cũng được niềm vui, quên đi nỗi buồn xa nhà của bản thân. Nhắc đến chuyện riêng, Thiện chia sẻ, anh có người yêu đang công tác ở tỉnh Ninh Bình. Cả hai đã ước hẹn cuối năm 2020 tổ chức đám cưới, song do tình hình dịch bệnh căng thẳng, nên anh đã hoãn cưới, để hoàn thành nhiệm vụ ở chốt.

 “Tôi động viên người yêu, gia đình hai bên hoãn cưới. Dự tính sau Tết, tình hình dịch bớt căng thẳng, các cấp lãnh đạo tạo điều kiện thì tháng 4-2021, chúng tôi sẽ tổ chức kết hôn. Nếu trường hợp dịch bệnh vẫn căng thẳng, tình trạng xuất nhập cảnh vẫn còn diễn biến phức tạp thì khả năng sẽ hoãn tiếp”, Thiện chia sẻ.

Chia tay với Thiện và các đồng đội ở chốt Mương Châu, chúng tôi xuôi theo dòng Giang Thành đến với chốt Tà Còm, Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Đây là chốt đã được xây dựng bán kiên cố, nền bê-tông, vách tôn, lợp lá dừa nước. Chốt nằm lẻ loi bên cạnh con rạch nhỏ, giữa rừng cây. Nơi đây không có điện, không có nước sạch, không có dân, sóng điện thoại thì chập chờn, lúc có, lúc không...

Dựng “lũy thép biên cương” chống giặc Covid-19 -0
Trung úy Danh Hải cùng đồng đội tuần tra, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19

Trên đường đi, Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ về câu chuyện hai anh em ruột đang cùng một chiến hào chống dịch ở biên giới Giang Thành. Đó là anh em Danh Hải, Đội trưởng Trinh sát Đồn Biên phòng Phú Mỹ và Danh Thành Tài, Đội trưởng Tham mưu hành Chính Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành.

Giữa tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, lúc này Danh Hải đang đi học bồi dưỡng tiếng Khmer tại Trường trung cấp Biên phòng 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hải được tăng cường đi chống dịch Covid-19 tại chốt Bàu Đá, Đồn Biên phòng Tân Hà (BĐBP Tây Ninh). Cũng thời điểm này, Danh Thành Tài đang là học viên năm thứ tư của Học viện Biên phòng, được tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 ở bản Cẩm Hắc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Đến cuối tháng 7-2020, Hải và Tài cùng tốt nghiệp và cùng được điều về BĐBP Kiên Giang rồi nhận nhiệm vụ lên biên giới Giang Thành.

Thượng úy Danh Hải tâm sự: “Vẫn biết là gian nan, vất vả nhưng hai anh em luôn động viên nhau cùng vững vàng nơi biên cương và xem đây là một niềm vinh dự của mình và gia đình. Bởi khi khoác lên mình bộ quân phục, chúng tôi đã tâm niệm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, giữ vững bình yên cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng nhất.”

Một lòng phòng, chống Covid-19

Từ khi dịch bệnh Covid-19 tràn vào Việt Nam, công tác siết chặt biên giới, chốt chặn đường mòn, lối mở được lực lượng BĐBP tỉnh Kiên Giang thực hiện chốt trực 24/24 giờ. Quân số được điều động tăng cường, nhiều CBCS phải gác lại chuyện gia đình, niềm vui đón Tết để hoàn thanh nhiệm vụ “canh cho dân ngủ”, trên dưới một lòng quyết tâm, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Dựng “lũy thép biên cương” chống giặc Covid-19 -0
 Trung úy Lê Xuân Hòa cùng cán bộ chiến sĩ chốt số 3, Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành tăng gia sản xuất tại chốt.

Tại chốt phòng, chống dịch số 3, Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành, Trung úy Lê Xuân Hòa, Huấn luyện viên cảnh khuyển đang cùng ba cán bộ, chiến sĩ nhổ cỏ, tưới nước, chăm sóc vườn rau. Dưới sự chăm sóc của những người lính, những luống rau mồng tơi, cải, rau thơm xanh non, chuẩn bị thu hoạch, phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của bộ đội.

Vừa làm, Lê Xuân Hòa vừa tâm sự, từ tháng 4-2020 đến nay, anh đã cùng các CBCS bám trụ tại chốt 24/24 giờ, kể cả những ngày nghỉ, lễ, Tết. CBCS ở chốt thường xuyên được Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũng như Ban Chỉ huy đồn, các ban, ngành trực tiếp đến thăm, tặng quà, động viên vào các dịp lễ, Tết.

Ngay trong ngày đầu năm mới, đồng chí Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng đã đến thăm, kiểm tra nơi ăn nghỉ, nắm tình hình và động viên anh em. Rồi mùng hai Tết, chốt được đón đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đến thăm, tặng quà cho anh em đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt. Đây chính là nguồn động viên về mặt tinh thần rất lớn cho những người lính nơi biên giới.

Dựng “lũy thép biên cương” chống giặc Covid-19 -0
 Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang thăm, động viên CBCS thực hiện nhiệm vụ trên biên giới.

“Trước sự quan tâm, niềm tin của thủ trưởng các cấp, mỗi CBCS chúng tôi luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vừa tuần tra, mật phục, chốt chặt trên biên giới, vừa tranh thủ tăng gia sản xuất để phục vụ đời sống, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội”, Trung úy Lê Xuân Hòa chia sẻ.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian vừa qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Chính vì vậy, vào tháng 3-2020, BĐBP Kiên Giang đã tổ chức 72 chốt, bốn tổ cơ động, một biên đội tàu, gồm bốn chiếc túc trực thực hiện nhiệm vụ. Và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến nay, BĐBP Kiên Giang đã tổ chức triển khai và duy trì nghiêm sáu tổ cơ động, 81 chốt cố định, 11 tàu xuồng thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.

“Chúng tôi có thể “bật mí”, tổng quân số tham gia trong đợt này gần 500 đồng chí, và nhiều chó chiến đấu. Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi đã tổ chức tuần tra trên ba nghìn cuộc, với hơn 13 nghìn lượt CBCS tham gia”, Đại tá Huỳnh Văn Đông chia sẻ.

Dựng “lũy thép biên cương” chống giặc Covid-19 -0
 Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống Covid-19.

Nói về nhiệm vụ của lực lượng Bộ đội Biên phòng thời gian qua, đồng chí Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh, có thể khẳng định, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng BĐBP Kiên Giang đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, gian khổ cùng các lực lượng khác, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch, được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Lực lượng BĐBP Kiên Giang đã góp phần tô thắm, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và vai trò, sứ mệnh của người chiến sĩ quân hàm xanh trong thời kỳ mới.