Đưa Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách lớn, Ðảng bộ Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ 2015-2020, tạo tiền đề để Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn giai đoạn tới.

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có những chia sẻ cụ thể về quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nhiệm kỳ 2020-2025.

Phóng viên (PV): Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp đã tạo nên sức mạnh to lớn, cổ vũ Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Với quyết tâm nhanh chóng đưa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ đi vào cuộc sống, đến nay Thành ủy đã có những chỉ đạo cụ thể gì, thưa đồng chí ?

Ðồng chí Vương Ðình Huệ: Với tầm nhìn chiến lược, Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17 đã quyết nghị mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Ðảng bộ TP Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Ðại hội cũng đưa ra những con số cụ thể, có tính định lượng cao là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD.

Nghị quyết cũng nêu rõ 20 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Trong đó, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cao, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm lớn của toàn Ðảng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiêu biểu là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 phải đạt từ 7,5 đến 8%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 40%, xã nông thôn mới kiểu mẫu chiếm 20%... Ðể cụ thể hóa, Ðại hội đề ra năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và ba khâu đột phá quan trọng. Ðó là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Ðưa văn hóa và con người Hà Nội trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Cùng với đó, trên cơ sở tám chương trình công tác khóa trước, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa 17 trong quý I - 2021. Trong đó có ba chương trình mới nhằm tập trung phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội. Ðiều này thể hiện quyết tâm của Ðảng bộ thành phố với đích đến là xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, đời sống nhân dân được chăm lo tốt hơn.

Ngay sau Ðại hội, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Thường vụ, ban hành Chương trình hành động toàn khóa để làm cơ sở triển khai. Thành ủy cũng tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Ðại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm tạo sự đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động, cũng như giám sát việc triển khai thực hiện.

PV: Văn kiện Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17 nêu rõ, Hà Nội sẽ nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới. Vậy ưu tiên của thành phố để đạt được mục tiêu này là gì, thưa đồng chí Bí thư?

Ðồng chí Vương Ðình Huệ: Với truyền thống văn hóa tiêu biểu, nơi hội tụ nhân tài, là "Thành phố vì hòa bình", thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của thế giới, Hà Nội có nhiều tiềm năng, khả năng để nâng cao vị thế hơn nữa, sánh ngang với nhiều Thủ đô, trung tâm kinh tế, sáng tạo khác của thế giới và khu vực. Thời gian tới, thành phố sẽ bàn và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, xác định yếu tố phát triển văn hóa, con người chính là nguồn lực nội sinh quan trọng và đột phá để phát triển bền vững Thủ đô. Phát triển kinh tế của Hà Nội cũng phải dựa trên nền tảng về văn hóa. Vì thế, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, Hà Nội sẽ có đề án riêng về chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế chia sẻ... Hà Nội mong muốn trở thành trung tâm hàng đầu của ASEAN về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin mạng, trí tuệ nhân tạo; một trung tâm hàng đầu về thương mại để tạo thêm sức bật cho kinh tế
Thủ đô.

PV: Năm 2021, dự báo có nhiều khó khăn bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, đồng chí có thể cho biết, thành phố đã đưa ra những giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu đề ra?

Ðồng chí Vương Ðình Huệ: Mục tiêu hàng đầu của thành phố là phải tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Ðồng thời lấy lại đà tăng trưởng, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, thu ngân sách không được thấp hơn năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 7,5%; bảo đảm an sinh xã hội trong mọi điều kiện, tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ðể thực hiện thắng lợi những mục tiêu quan trọng này, các cấp, các ngành thành phố phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo. Thành phố sẽ tập trung thực hiện chủ đề năm 2021 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" với yêu cầu các cấp, các ngành và từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Các mục tiêu, giải pháp đã có, bây giờ là lúc cả thành phố cùng bắt tay hành động, hiện thực hóa các mục tiêu, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!