Đời sống - Xã hội

Đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận sáng tạo, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở trong điều kiện tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. 

Một góc thành phố Hòa Bình.
Một góc thành phố Hòa Bình.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững -0
 

Thông xe kỹ thuật cầu Hòa Bình 3, TP Hòa Bình.

Đã có 18 trong số 20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 16, tạo nền tảng để tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) gấp 1,65 lần so năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Dự báo đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 45,58% (công nghiệp chiếm 38,89%), dịch vụ chiếm 29,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực trung du và miền núi phía bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Hộ nghèo giảm 3,16%/năm. Các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. 

Nhiều lĩnh vực quan trọng có sự chuyển động tích cực. Các tiềm năng, lợi thế đang được khai thác hiệu quả, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được cải thiện mạnh mẽ. Tỉnh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, đã triển khai và đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông quan trọng như đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3 đã đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường tỉnh 435, triển khai xây dựng đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12B đi quốc lộ 1; hồ chứa nước Cánh Tạng,…

Nhiều tuyến giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp, hệ thống lưới điện, hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều công trình thủy lợi, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng du lịch đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực đi vào thực chất và hiệu quả. Tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt khá. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã có những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như cam, bưởi, cá sông Đà, gà Lạc Thủy, rau hữu cơ Lương Sơn, su su Quyết Chiến,… đang vươn xa đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỉnh có ba đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 43,3% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành trước một năm so nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc và đứng thứ ba các tỉnh trung du và miền núi phía bắc. 

Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển quan trọng. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp- xây dựng bình quân tăng 10,17%/năm. Riêng giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 16,4%/năm. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Quy mô, xuất nhập khẩu tăng nhanh. Đến cuối năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 3,5 lần so năm 2015. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, FLC, T&T Group, Phú Mỹ Hưng,… nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực đô thị sinh thái, du lịch, công nghiệp, kỳ vọng tạo ra sự bứt phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.  

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển sâu rộng. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát triển. Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Chính phủ đã chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tỉnh đã hoàn thành xây dựng bộ chữ dân tộc Mường, xây dựng tài liệu đưa vào giảng dạy.

Hòa Bình là tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Toàn tỉnh giảm một đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 28,1%) (đứng đầu cả nước về tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã); giảm 248 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 576 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm 2.304 người hoạt động không chuyên trách và 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố; tinh giản biên chế 1.590 người theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, thực hiện mục tiêu tinh gọn và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính. Đảng bộ tỉnh đoàn kết, thống nhất, hệ thống chính trị và nhân dân đồng thuận, tổ chức tốt đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Tỉnh đã chú trọng sắp xếp nguồn nhân sự cấp ủy khóa mới theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đến nay, những vị trí chủ chốt được lựa chọn đều là những đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và tín nhiệm cao trong đảng viên và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 

Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và người dân, kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được nâng lên, nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, vấn đề được dư luận quan tâm. Những tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, tạo niềm tin của nhân dân vào tổ chức Đảng. Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị không ngừng được nâng cao. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chất lượng điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp chuyển biến rõ nét. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững.  

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua, tư duy, khát vọng đổi mới đã dần hình thành và trở thành những hành động thiết thực của hệ thống chính trị, cùng hướng tới mục tiêu vì sự phát triển bứt phá trong tương lai gần của tỉnh. Thành phố Hòa Bình đang chuẩn bị những điều kiện nâng cấp trở thành đô thị loại II, xây dựng đô thị thành phố giàu, đẹp, bản sắc theo hướng đô thị thông minh; phấn đấu là đô thị vệ tinh của TP Hà Nội. Huyện Lương Sơn, cửa ngõ của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị loại IV, đang chứng tỏ vùng kinh tế năng động. Huyện Mai Châu cũng đang bứt phá trên hành trình xây dựng thương hiệu du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện Yên Thủy thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch đồng ruộng, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, lựa chọn được những cây trồng thế mạnh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra cơ hội lớn nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn, Cao Phong cũng đang chuyển mình trong tư duy, hành động để vươn tới những mục tiêu cách mạng hơn trong phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ để giảm nghèo bền vững. Đó là những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình. 

Đảng bộ tỉnh nghiêm túc đánh giá những yếu kém, đó là: Năng lực lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi, có việc chưa nghiêm. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững. Môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình hình phạm tội hình sự còn diễn biến phức tạp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Hòa Bình đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn khi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, sở hữu những lợi thế đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ, công nghiệp, tỉnh đang là tâm điểm của các dự án đầu tư tầm cỡ hướng tới. Đặc biệt, tỉnh đã và đang xây dựng đội ngũ đồng thuận, trách nhiệm với tư duy, khát vọng đổi mới, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. 

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tập trung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

BÙI VĂN TỈNH

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình