Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế

Trong quá trình hoàn thiện các văn kiện trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Hải Dương đã nghiên cứu sâu, kỹ Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là bài viết trên Báo Nhân Dân “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Với tầm tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định và chỉ ra tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước trong giai đoạn tới là phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới được chỉ ra trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nhận thức đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 17, cũng xác định: Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Trong giai đoạn 2011 - 2020, mô hình tăng trưởng của tỉnh Hải Dương từng bước được đổi mới theo hướng tăng trưởng theo chiều rộng kết hợp tăng trưởng theo chiều sâu, thu hút vốn FDI để tận dụng lợi thế sẵn có, hướng tới mục tiêu là xuất khẩu. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực; thu ngân sách nhà nước tăng trưởng nhanh, từ năm 2017 tỉnh tự cân đối ngân sách; đời sống người dân được cải thiện, nâng cao; diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc rõ nét.

Tuy nhiên, Hải Dương cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ cho bài toán phát triển trong thời kỳ mới. Một số động lực tăng trưởng truyền thống đang bị suy yếu. Trong đó lợi thế “nhân công giá rẻ” sẽ nhanh chóng mất đi; số lượng lao động trong tỉnh và lao động di cư sẽ sụt giảm trong tương lai; nguồn lực đất đai, tài nguyên đang cạn kiệt nhanh; căng thẳng thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch giữa nhiều quốc gia đang nổi lên… là thách thức rất lớn đối với mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Đặc biệt, những tác động của đại dịch Covid-19 tạo nên thay đổi sâu sắc về tổ chức sản xuất, kinh doanh, thương mại, tiêu dùng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người… đang tạo ra những khó khăn, thách thức lớn, đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới cho những tỉnh, thành phố, địa phương, doanh nghiệp biết vận dụng và sớm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phát triển.

Đứng trước tình hình đó, trong nhiệm kỳ tới, Hải Dương  đặc biệt coi trọng việc đổi mới, cơ cấu lại, tạo bước chuyển căn bản kinh tế của tỉnh sang mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, với bốn trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; dịch vụ chất lượng cao; phát triển đô thị xanh, thông minh, đáng sống. 

Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang những ngành, lĩnh vực có năng suất cao, hiệu quả cao. Về công nghiệp, lựa chọn và thu hút các dự án đầu tư lớn, phù hợp với định hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về nông nghiệp, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất hữu cơ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại và lợi thế của địa phương. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ như: du lịch, công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, dịch vụ an sinh xã hội... 

Để thực hiện được những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Tỉnh ủy Hải Dương tập trung trí tuệ, đánh giá đúng vị thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chỉ ra những “tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt”, từ đó tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo ra động lực mới cho phát triển. Chú trọng khơi dậy và phát huy tốt nhất tiềm năng về con người Hải Dương với nhiều phẩm chất đáng quý để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển. Phát huy tốt những giá trị của bản sắc văn hóa Xứ Đông, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý chí và khát vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để phát triển bứt phá trong chặng đường sắp tới.

PHẠM XUÂN THĂNG

Phó Bí thư Thường trực

Tỉnh ủy Hải Dương