Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo

NDO -

NDĐT- Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, với tiêu đề “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo” công bố sáng 16-6 đưa ra hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vi mô của Việt Nam trong năm 2017.

Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo

Theo đó, kịch bản một là tăng trưởng 6,7% và lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng. Trong kịch bản hai, kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm chỉ ở mức thấp 2,35%.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Phó Hiệu trưởng phụ trách,Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Báo cáo thường niên là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.

Tư duy ngắn làm chậm động năng cải cách

Phân tích về các chính sách trong ngắn hạn, Báo cáo khuyến nghị, các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô … có thể làm chậm động năng cải cách, trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững.

Báo cáo lưu ý, cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017, giữ vững lạm phát mục tiêu.

Chính phủ cũng cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng tinh giản, đồng thời cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước như khu vực hội, đoàn.

Cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo

Đối với chính sách trong trung và dài hạn, Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng và sửa đổi luật pháp.

Báo cáo cho rằng, cần phân định rõ quyền tài sản đối với tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững. Điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp với thực trạng tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển nhanh chóng, tránh sa vào hướng dân túy. Cuối cùng là khuyến khích phát triển xã hội công dân, các hình thức tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp nâng cao năng lực quản trị địa phương.

Báo cáo lần này được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuân lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của Chính phủ mới trong việc cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch và phục vụ. Vì vậy, báo cáo 2017 tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thể chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo.

Báo cáo cũng bàn đến một số rào cản, từ đó nêu giải pháp tháo gỡ liên quan đến các quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Thủy sản nhằm thu hút tốt hơn đầu tư tư nhân trong nông nghiệp; Rà soát pháp lý liên quan đến những điểm thiếu hụt trong hệ thống thể chế luật pháp và chính sách của Việt Nam so với EVFTA; sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tạo ra sự trung hòa chênh lệch giữa nhóm nghèo và nhóm giàu; Vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong việc nâng cao chất lượng thể chế tại địa phương với các chính sách phù hợp hơn để tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển của các tổ chức phi lợi nhuận nhằm tăng cường tính minh bạch của Hệ thống quản trị nhà nước.