Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (Kỳ 1)

Bài 1: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính (CCHC), những năm qua, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quyết liệt thực hiện CCHC nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS,QP) và đã thu được kết quả tích cực.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) làm thủ tục cho người dân xuất, nhập cảnh. Ảnh: ANH SƠN
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) làm thủ tục cho người dân xuất, nhập cảnh. Ảnh: ANH SƠN

Thực tế đặt ra những vấn đề đòi hỏi quân đội phải tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhà nước trong lĩnh vực QS,QP để phù hợp với bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghị, Phó Chánh Văn phòng Quân ủy T.Ư - Văn phòng Bộ Quốc phòng cho biết: CCHC trong Bộ Quốc phòng đã được Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 10 xác định là một trong ba đột phá; do vậy, hằng năm, Ban Chỉ đạo CCHC luôn chủ động bám sát chương trình, kế hoạch của Chính phủ, xây dựng công tác CCHC trong Bộ Quốc phòng; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả các nội dung về CCHC. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) đi đôi với việc rà soát các văn bản liên quan TTHC theo từng lĩnh vực phụ trách để sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các quy định không còn phù hợp. Chú trọng chuyển đổi thực hiện TTHC từ phương pháp văn bản thủ công sang môi trường mạng; xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa Bộ Quốc phòng.

Triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC và công việc nội bộ trên môi trường mạng. Chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO hơn 300 cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ...

Đáng chú ý, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quân ủy T.Ư về tổ chức quân đội đến năm 2021, gắn với Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Điều chỉnh tổ chức lực lượng toàn quân theo lộ trình giảm 10% quân số ở cấp chiến dịch, chiến lược: Khối học viện nhà trường chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn lực cho quân đội; đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ), hệ thống trường dạy nghề, cơ sở in; thực hiện đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” trong quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ... Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị để giảm khâu trung gian, tránh trùng, chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc chưa được quy định. Đến cuối năm 2018, Bộ Quốc phòng đã giải thể 14 lữ đoàn công binh dự bị động viên, bảy trường trung cấp nghề và đang phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải thể 15 trường cao đẳng nghề. Trong đó, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tiến hành giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Trao đổi việc triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNQĐ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại buổi họp báo quý II-2019 do Bộ Quốc phòng tổ chức mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết: Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các DNQĐ từ 88 DN giảm xuống còn 17 DN 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Các DN hoạt động thuần túy về dịch vụ thương mại sẽ triệt để cổ phần hóa, thoái vốn và giải thể...

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ theo Nghị quyết số 769-NQ/QUTW ngày 21-12-2013 của Quân ủy T.Ư về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; thực hiện tốt việc chuẩn hóa cán bộ theo hệ thống tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh cán bộ đã ban hành...

Theo Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng), thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng ủy Bệnh viện đã chủ động ra nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ. Trong đó, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị tham gia học ngoại ngữ (tiếng Anh); thực hiện chủ trương 100% số cán bộ là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư dưới 40 tuổi đều được cử đi đào tạo chuyên môn ở nước ngoài. Trước khi bổ nhiệm cán bộ chủ trì các phòng, khoa, ban, đơn vị, Ban Giám đốc Bệnh viện triệu tập các ứng cử viên lên trao đổi về ý tưởng xây dựng cơ quan, đơn vị; chia sẻ kinh nghiệm quản lý điều hành và tham gia học tập, làm việc tại Phòng Kế hoạch tổng hợp khoảng sáu tháng để nắm chắc công tác quản lý và chế độ chuyên môn trước khi được bổ nhiệm để lựa chọn cán bộ. Do vậy, các cán bộ sau khi được bổ nhiệm đều nêu cao trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao.

Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cho đến giờ, Đại tá Hoàng Quyết Tâm, Trưởng phòng Cửa khẩu cảng, Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh BĐBP, vẫn thường nhắc về một thời cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở cửa khẩu cảng biển, đó là: Những năm 80, đầu 90 của thế kỷ 20, việc làm thủ tục cho tàu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh (XNC), đến và rời cảng biển rất phức tạp, nhiều phiền hà. Theo quy định, khi tàu, thuyền XNC, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng phải thành lập đoàn Liên hiệp kiểm tra (từ năm đến sáu người), gồm: Đại diện Cảng vụ Hàng hải, BĐBP, hải quan, kiểm dịch y tế quốc tế, cùng đại lý hàng hải trực tiếp xuống tàu, thuyền để làm thủ tục. Thuyền trưởng của tàu phải nộp và xuất trình cho đoàn rất nhiều hồ sơ, giấy tờ, chỉ riêng đối với thủ tục biên phòng đã phải nộp chín bản khai, cho nên mỗi chuyến tàu phải mất từ 1,5 đến 2 giờ để hoàn thành thủ tục XNC. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ đối với tàu, thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng được thực hiện trực tiếp trên tàu 24 giờ trong ngày, nhất là đối với các tàu, thuyền neo đậu, chuyển tải hàng hóa trên sông, vịnh, lực lượng BĐBP thường bố trí tổ công tác từ hai đến ba người làm nhiệm vụ trực tiếp trên tàu từ khi tàu đến cảng đến khi rời cảng, mọi sinh hoạt ăn, uống, ngủ, nghỉ trên tàu cho tổ công tác do chủ tàu bố trí. Điều này đôi khi gây phiền hà, tốn kém cho chủ tàu, nhiều lúc còn làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại.

Cải cách TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước tại cảng biển nói chung và trong kiểm soát XNC nói riêng được các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng (gồm cả BĐBP) triển khai từ năm 2002 theo Quyết định số 55/2002/QĐ-TTg, ngày 23-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ tại cảng biển TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là các cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu theo Quyết định số 178/2002/QĐ-TTg, ngày 13-12-2002; từ năm 2004 đã được triển khai tại tất cả các cảng biển trên toàn quốc theo Nghị định 160/2003/NĐ-CP, ngày 18-12-2003 của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải. Đó là việc chuyển hình thức làm thủ tục nhập, xuất cảnh, đến và rời cảng cho tàu, thuyền, thuyền viên, hành khách từ trực tiếp tại tàu sang làm thủ tục tập trung tại trụ sở của Cảng vụ hàng hải theo cơ chế một cửa liên thông (thời gian làm thủ tục cho một chuyến tàu được rút xuống còn khoảng 30 phút). Công tác kiểm tra, giám sát biên phòng được chuyển đổi từ hình thức kiểm tra, giám sát trực tiếp tại tàu sang kiểm tra, giám sát theo khu vực, trực tiếp tại cổng cảng, kết hợp tuần tra kiểm soát cơ động (trừ các tàu, thuyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, hoặc trường hợp cần thiết để bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội). Những chuyển đổi này đã tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động lưu thông XNC, xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh của các DN tại cửa khẩu cảng. Đó là bước tiến quan trọng ban đầu trong quá trình thực hiện đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia nói riêng và CCHC nhà nước trong lĩnh vực QS,QP nói chung của BĐBP.

BĐBP được đánh giá là một trong những đơn vị nỗ lực đi đầu khối các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng thực hiện CCHC. Đại tá Lương Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Lực lượng BĐBP được giao nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; kiểm soát XNC tại các cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý. Hiện nay, Bộ Quốc phòng giao cho BĐBP quản lý 202 cửa khẩu biên giới đất liền (có 25 cửa khẩu quốc tế), 36 cửa khẩu cảng trên toàn quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về CCHC, được sự chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai quyết liệt công tác CCHC trong toàn lực lượng, nhất là cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia tại các cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu bộ.

Từ năm 2003, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng BĐBP phối hợp các cơ quan chức năng làm TTHC cho tàu, thuyền đến, rời cảng theo cơ chế một cửa liên thông tại trụ sở cảng vụ hàng hải. Đồng thời, tích cực rà soát, bãi bỏ các thủ tục rườm rà và công khai, minh bạch các TTHC; nghiên cứu, đổi mới quy trình công tác nghiệp vụ, rút ngắn thời gian hoàn thành TTHC; tăng cường ứng dụng CNTT trong kiểm soát XNC, tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông XNC, xuất, nhập khẩu... Trong đó, riêng thủ tục biên phòng, giấy tờ người làm thủ tục XNC phải nộp giảm từ chín loại xuống còn năm loại; thời gian hoàn thành TTHC rút ngắn từ 1,5 đến 2 giờ xuống còn 15 đến 30 phút.

Để phù hợp xu thế chung của các nước trên thế giới và khu vực; các tiêu chuẩn, khuyến nghị của Công ước về tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hải quốc tế (FAL 65) và yêu cầu đẩy mạnh cải cách TTHC; thực hiện Quyết định số 22/2011/QĐ-TTg, ngày 15-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại bảy cửa khẩu cảng lớn: Hòn Gai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 16-5-2014, Bộ Quốc phòng chính thức triển khai thực hiện việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin, hoàn thành thủ tục biên phòng qua Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển cho tàu, thuyền XNC, quá cảnh, chuyển cảng tại bảy khu vực cửa khẩu cảng biển nêu trên. Đây là bước tiến mới trong cải cách TTHC, nhất là, ngày 21-7-2016, Bộ Quốc phòng tổ chức kết nối Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển với Cổng thông tin một cửa quốc gia, triển khai ba thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu, thuyền XNC, quá cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia tại bảy cửa khẩu cảng nêu trên. Từ ngày 1-7-2018, BĐBP triển khai thực hiện 12 thủ tục biên phòng điện tử cho tàu, thuyền XNC, quá cảnh, chuyển cảng, đến, rời cửa khẩu cảng tại 36 đơn vị biên phòng cửa khẩu cảng trên toàn quốc.

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Là một trong bảy cửa khẩu cảng biển thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử và lộ trình kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, sau ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg, ngày 3-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, Trung tá Hoàng Chiến Sự, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng (Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng) cho biết: “Cái được lớn nhất là, đã tạo sự thông thoáng, tiện lợi cho các DN trong thực hiện thủ tục biên phòng cho tàu, thuyền XNC bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; rút ngắn thời gian làm thủ tục XNC cho một chuyến tàu (từ bốn đến tám giờ, nay còn từ năm đến 10 phút); các tàu, thuyền hoàn thành thủ tục ngay sau khi cập cảng, giải phóng hàng hóa nhanh, giúp DN quay vòng, tăng chuyến, tiết kiệm thời gian làm hàng, tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, hạn chế được tiêu cực trong thực hiện TTHC và thực thi công vụ... Đến nay, gần 100% tàu, thuyền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, không để xảy ra sai sót, được các hãng tàu, đại lý, DN đánh giá cao.

Trưởng đại diện cho hãng tàu TS Lines (Đài Loan - Trung Quốc), tại TP Hải Phòng Phạm Hồng Mạnh tâm sự: Trước đây, làm TTHC cho tàu, thuyền XNC rất phức tạp, nhiêu khê. Chẳng hạn, một tàu chở 500 công-ten-nơ thường có từ 200 đến 300 chủ hàng khác nhau; nếu làm thủ tục cho tàu XNC theo phương thức thủ công, phải mang theo một túi sách hồ sơ, chứng từ và đi lại nhiều lần đến cơ quan chức năng mới hoàn thành được thủ tục. Nhưng từ khi thực hiện thủ tục biên phòng điện tử kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, đại diện DN có thể khai báo làm TTHC cho tàu, thuyền XNC ở bất cứ đâu, thời gian nào (miễn là có mạng); chỉ cần gửi hồ sơ và nhận kết quả qua mạng in-tơ-nét. Hiện, đại lý hàng hải có thể khai báo, làm thủ tục XNC cùng lúc cho ba đến bốn chuyến tàu; riêng nội dung khai báo với biên phòng qua thủ tục biên phòng điện tử chỉ cần năm phút là xong.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đầu tư trang, thiết bị, máy móc hiện đại, đi đôi chỉ đạo lực lượng BĐBP đẩy mạnh đơn giản hóa các TTHC tại cửa khẩu bộ. Những năm trước, việc làm thủ tục XNC cho một phương tiện hết từ 15 đến 20 phút, một người từ năm đến bảy phút nhưng hiện nay, làm thủ tục XNC một phương tiện chỉ dưới bảy phút, một người dưới một phút. Trước đây, BĐBP áp dụng thẻ từ, mã vạch cho người và phương tiện qua cửa khẩu bộ; từ năm 2018 đến nay, thí điểm ở Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), qua cổng kiểm soát tự động (mã vạch, định danh). Từ tháng 6-2019, thực hiện hành khách XNC khai báo với biên phòng qua thủ tục biên phòng điện tử qua mạng trước khi đến cửa khẩu, do vậy sẽ giảm từ 70 đến 80% thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho DN và người dân.

Đề cập vấn đề nêu trên, Thượng úy Nguyễn Anh Tú, Đội trưởng Đội Thủ tục - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hữu Nghị (Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn) cho biết: Cải cách TTHC tại cửa khẩu tạo điều kiện cho người và phương tiện qua cửa khẩu biên giới nhanh hơn, thông thoáng hơn. Trước đây, thời gian thông quan mở cửa khẩu từ bảy đến 19 giờ trong ngày, nhưng hiện nay, lực lượng chức năng hai nước đã thống nhất kéo dài thời gian mở cửa khẩu đến hơn 20 giờ trong ngày; thời điểm hàng hóa xuất, nhập khẩu nhiều, lượng xe ô-tô XNC đông, hai bên trao đổi thống nhất thời gian đóng mở cửa khẩu. Những năm trước, công dân Việt Nam, Trung Quốc sử dụng giấy thông hành thường xuyên XNC qua cửa khẩu thăm thân, buôn bán, làm ăn, mỗi ngày đều phải đóng dấu kiểm chứng giấy thông hành một lần, nhưng hiện nay, đơn vị thực hiện 10 ngày đóng dấu kiểm chứng một lần.

Trước đây, đơn vị đăng ký, quản lý người và phương tiện XNC bằng phương pháp thủ công (ghi chép bằng sổ sách), xe của chủ hàng phải đến cửa khẩu mới làm thủ tục đăng ký XNC được; nhưng từ ngày 1-10-2017 đến nay, chủ hàng có thể đăng ký người, phương tiện XNC qua mạng trước khi đến cửa khẩu. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Trạm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được bổ sung phần mềm dùng để đăng ký phương tiện XNC và đưa cổng kiểm soát tự động vào hoạt động, giúp đơn vị đăng ký, quản lý dữ liệu nhanh và chính xác hơn; rút ngắn thời gian cho người và phương tiện khi đăng ký XNC.

(Còn nữa)

Năm 2018, Bộ Quốc phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ công bố chín TTHC biên phòng điện tử thực hiện cơ chế một cửa quốc gia cấp độ 4; Bộ trưởng Quốc phòng công bố 35 TTHC về các lĩnh vực: quản lý biên giới, vật liệu nổ công nghiệp và chính sách; bãi bỏ 21 TTHC về lĩnh vực quản lý biên giới và quản lý vật liệu nổ công nghiệp; tiếp nhận, giải quyết khoảng 10 triệu đối tượng thực hiện TTHC thuộc các lĩnh vực Bộ Quốc phòng quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Bộ Quốc phòng)